Chủ động phát triển nhân lực cho ngành đường sắt đô thị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hiện nay nhân lực cho các dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam đều phải đào tạo theo diện đặt hàng do chưa có chuẩn đào tạo nhân sự chung. Bên cạnh những ưu điểm hình thức đào tạo này cũng có những bất cập nhất định.
Toàn bộ lái tàu của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đều đã qua đào tạo nghiêm ngặt.
Toàn bộ lái tàu của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đều đã qua đào tạo nghiêm ngặt.

Còn nhiều bất cập

Để vận hành 13km đường sắt Cát Linh – Hà Đông phải cần đến 681 người phục vụ. Con số này đã khiến nhiều người kinh ngạc bởi cho rằng quá lớn và lo lắng sẽ gây lãng phí. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt, con số này đã được tính toán một cách rất kỹ trên toàn bộ quy trình vận hành. Đồng thời, theo sự tư vấn của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thì con số này hoàn toàn phù hợp.

Trên thực tế, mô hình quản lý khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông giống như một hình thức công ty. Để vận hành được cả tuyến đường sắt cần có ban lãnh đạo, tổ đội sản xuất, đội quản lý, nhân viên của Trung tâm điều độ, Trung tâm vận tải hành khách... Mô hình quản lý này được xây dựng theo các nước tiên tiến trên thế giới.

Và để có được hơn 600 nhân viên phục vụ cho tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là cả một quãng thời gian dài chuẩn bị. Theo Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Đường sắt – ông Bùi Anh Tuấn, nhà trường đã tiến hành đào tạo nhân lực cho tuyến Cát Linh – Hà Đông từ nhiều năm trước. Việc đào tạo này được tiến hành theo đơn đặt hàng của Ban Quản lý dự án đường sắt, sau này là Hanoi Metro.

Việc đào tạo theo dự án được đánh giá thuận lợi ở chỗ có nguồn kinh phí và đào tạo nhanh, nhưng bất cập lớn nhất là sẽ không chủ động được nguồn nhân lực thiếu hụt.

Nói về nguyên nhân, theo nhận định của nhiều chuyên gia, do lĩnh vực này Việt Nam chưa có kinh nghiệm, chưa có chuẩn đào tạo chung, chủ yếu dựa vào tư vấn nước ngoài. Hiện tại, việc đào tạo nhân lực cho các dự án đường sắt đô thị đều không giống nhau. Do tính chất, công nghệ thiết bị từng tuyến khác nhau nên việc đào tạo nhân sự cũng phải theo yêu cầu của từng nhà tài trợ và phù hợp với các quy định pháp lý của nước sở tại.

Theo thông tin được công bố bởi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các tuyến đường sắt đô thị hiện gặp nhiều khó khăn. Bởi cách thức đào tạo, quy định pháp lý công nhận hành nghề, hình thức chuyển giao công nghệ theo dự án sau khi học xong tại nước ngoài sau khi về nước vẫn phải thi sát hạch để cấp giấy phép lái tàu tại Việt Nam.

Mặt khác, trong khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm mà chủ yếu dựa vào tư vấn nước ngoài, công tác đào tạo tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ dự án trong phạm vi hẹp không có tính chiến lược quốc gia, không bền vững, không có nguồn lực đào tạo mở rộng cho các tuyến tiếp theo cũng như nhân lực kế cận, thay thế đối tượng lao động nghỉ việc, nghỉ chế độ, tai nạn, tử tuất...

Bên cạnh đó, chi phí đào tạo nhân lực đối với mỗi dự án đường sắt đô thị hiện nay rất lớn.

Chủ động đào tạo nhân lực

Để giải quyết những bất cập, chuẩn bị tốt cho sự phát triển lâu dài của đường sắt đô thị, Bộ GTVT muốn trong nước đào tạo ra nguồn nhân lực để vận hành các tuyến đường sắt như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên...

Theo đó, tại dự thảo văn kiện của Bộ GTVT đề xuất cho phép Trường Cao đẳng Đường sắt đầu tư hơn 91 tỷ đồng để tăng cường năng lực đào tạo đường sắt đô thị. thông qua cơ quan JICA, Việt Nam sẽ nhận khoản vốn tài trợ trị giá khoảng hơn 84 tỷ đồng không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, dự kiến, các chuyên gia Nhật Bản sẽ xây dựng giáo trình, các chương trình theo tiêu chuẩn của Nhật cũng như các quy định của Việt Nam; xây dựng Trung tâm Đào tạo đường sắt đô thị; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, giảng dạy từ hệ cao đẳng trở xuống; xây dựng mô hình thực hành. Trong quá trình thực hiện dự án, các nội dung sẽ được triển khai dần và nội dung nào hoàn thành sẽ được đưa vào áp dụng luôn để đào tạo, trước tiên là đào tạo nhân lực phục vụ cho tuyến Bến Thành – Suối Tiên.

Với hỗ trợ của JICA, trường sẽ có chương trình đào tạo chung, là chuẩn chung theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sau đào tạo, học viên có thể làm việc được trên các tuyến đường sắt đô thị theo các công nghệ khác nhau.

Đọc thêm