Chủ động phòng, chống bệnh dại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, bệnh dại là nguyên nhân gây ra khoảng hơn 70 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm. Hầu hết các trường hợp bệnh dại ở nước ta do chó dại cắn.
Công tác tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó hiện chưa đạt hiệu quả cao. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Công tác tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó hiện chưa đạt hiệu quả cao. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bệnh dại có chiều hướng gia tăng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình bệnh dại động vật trên cả nước diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Từ ngày 1/1 - 20/2/2024, cả nước đã xảy ra 17 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 12 tỉnh, thành phố và 18 ca tử vong trên người ở 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023). Theo hệ thống giám sát dịch bệnh (Bộ Y tế), cũng trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 20 ca tử vong do bệnh dại, tăng 11 ca so với cùng kỳ năm 2023.

Tại Hà Nội, từ ngày 5/1 đến 5/2, huyện Sóc Sơn đã xảy ra 2 ổ dịch dại trên động vật, làm chết và phải tiêu hủy 9 con chó, mèo. Các trường hợp người dân bị chó mắc dại cắn đều được tiêm vaccine phòng bệnh kịp thời. Dù không để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng qua đó cho thấy nguy cơ từ dịch bệnh nguy hiểm này là rất đáng lo ngại và không thể chủ quan, đặc biệt khi Hà Nội hiện nay có tổng đàn chó, mèo rất lớn với khoảng 440.000 con.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 3 ổ bệnh dịch chó dại tại 3 huyện: Định Quán, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Riêng số người bị chó, mèo cắn phải tiêm phòng bệnh dại trong 2 tháng đầu năm 2024 đã hơn 4 ngàn ca. Trong đó, nhiều trường hợp bị chó cắn tại những vị trí nguy hiểm, vết thương lớn phải tiêm huyết thanh kháng bệnh dại.

Tại Thanh Hóa, tính riêng từ những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 4 ổ bệnh dại trên động vật, làm chết 2 người và 86 người bị phơi nhiễm. Hàng năm, tại tỉnh này có khoảng 10.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại, gây thiệt hại lớn về kinh tế và sức khoẻ người dân.

Theo dự báo của Bộ Nông Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, bệnh dại ở động vật có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nguyên nhân bệnh dại gia tăng chủ yếu do địa phương chưa quản lý được đàn chó, mèo, chó thả rông còn phổ biến, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Công tác tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó chưa đạt hiệu quả, như năm 2023 tỷ lệ tiêm ngừa dại trên đàn chó mới đạt hơn 50%. Chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vaccine dại cho chó theo quy định. Nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế...

Khẩn trương ứng phó ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 - 70.000 người và hàng triệu loài động vật. Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Việc liên tục xuất hiện một số ổ dịch dại trên động vật là thực trạng đáng báo động khi các cấp, ngành, địa phương trên cả nước đã và đang đặt ra yêu cầu khẩn trương ứng phó để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại trong mùa nắng nóng này.

Để phòng, chống hiệu quả bệnh dại, đầu tháng 3, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn. Trong đó, đề nghị các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho người dân về bệnh dại và các biện pháp xử lý khi bị chó, mèo cắn.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo việc thành lập, duy trì và tăng cường hoạt động của các “Đội bắt chó thả rông”. Thực hiện tốt việc quản lý chó nuôi, phối hợp với các sở, ngành tiêm phòng bệnh dại đầy đủ; đồng thời tăng cường các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, mèo và tiêm phòng vaccine dại.

Ngoài ra, một số địa phương như Thanh Hóa, Đồng Nai, Đà Nẵng… đã khẩn trương ban hành các văn bản, chỉ thị yêu cầu lãnh đạo, các đơn vị, địa phương tập trung nguồn lực để thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định, như: xử lý triệt để tình trạng chó thả rông; tiêm vaccine bệnh dại cho chó, mèo; hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh dại...

Là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, bệnh dại là nguyên nhân gây ra khoảng hơn 70 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm. Hầu hết các trường hợp bệnh dại ở nước ta do chó dại cắn.

Đọc thêm