Chủ động trong xử lý vật chứng thi hành án dân sự bị tồn đọng

(PLVN) -Một trong những tồn tại, hạn chế lớn nhất hiện nay đối với công tác quản lý vật chứng trong THADS là các cơ quan THADS không có đủ nguồn lực về cơ sở vật chất và con người đề đảm bảo an ninh, an toàn kho vật chứng. Do vậy, việc bảo quản và xử lý vật chứng nói chung và vật chứng tồn đọng còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các hành vi vi phạm.
Chủ động trong xử lý vật chứng thi hành án dân sự bị tồn đọng

Quá trình xử lý vật chứng bị kéo dài

Pháp luật quy định về quản lý vật chứng tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, còn có quan điểm khác nhau về hình thức, chủ thể bảo quản và loại vật chứng nào cơ quan tố tụng được quyền chuyển đến cơ quan THADS bảo quản sau khi có quyết định truy tố đối với loại vật chứng không thể di chuyển về kho vật chứng. Do đó, hiện nay một số cơ quan tố tụng có quan điểm là cơ quan THADS có trách nhiệm tiếp nhận tất cả vật chứng có liên quan đến vụ án sau khi có quyết định chuyển vật chứng kể cả vật chứng không chuyển được về kho vật chứng được quy định điểm c khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Một số trường hợp bản án, quyết định tuyên có vật chứng nhưng khi giao, nhận lại không có vật chứng hoặc vật chứng đã được chuyển giao trước khi xét xử. Ngoài ra, còn có tình trạng vật chứng không xử lý được do bản án tuyên không rõ, khó thi hành; bản án bị kháng cáo, kháng nghị... dẫn đến việc xử lý vật chứng bị kéo dài, gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, một số trường hợp vật chứng là tài sản được Tòa án tuyên trả cho đương sự là người đang chấp hành hình phạt tù nhưng đương sự không nhận và cũng không ủy quyền cho người khác nhận thay; đương sự là người lang thang, không rõ địa chỉ; đương sự sau khi thực hiện xong hình phạt tù không trở về địa phương và không xác định được nơi ở mới. Đặc biệt, đối với các trường hợp trả tài sản cho người được thi hành án là người nước ngoài, do tài sản có giá trị nhỏ hoặc thời điểm trả không còn giá trị sử dụng (điện thoại, giấy tờ tùy thân) hoặc đương sự sau khi thi hành xong hình phạt tù không đến nhận hoặc đã về nước nơi có quốc tịch nên chưa xử lý được, dẫn tới tồn đọng.

Xác định rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan

Vì vậy, đối với vật chứng tồn đọng từ 1 năm trở lên và là vật chứng trong các vụ án bị đình chỉ thì cơ quan THADS đề nghị cơ quan đã ra quyết định đình chỉ vụ án ra quyết định xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ để tiến hành xử lý. Đối với các vật chứng mà Tòa án chưa chuyển giao bản án, quyết định; Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra chưa chuyển giao tài liệu liên quan đến vật chứng, tài sản tạm giữ thì cơ quan THADS đề nghị các cơ quan có liên quan nêu trên chuyển giao để tiến hành xử lý. Trường hợp không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý vật chứng hoặc không có tài liệu liên quan đến vật chứng thì tổ chức họp liên ngành để thống nhất phương án, biện pháp xử lý.

Trong trường hợp tài sản là giấy tờ liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự thì hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo nếu đương sự không đến nhận, thì cơ quan THADS làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành giấy tờ đó theo quy định tại khoản 3 Điều 126 Luật THADS.

Đối với vật chứng bị mất thì phải làm rõ trách nhiệm và phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra; xác minh làm rõ và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xem xét, xử lý kỷ luật hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm. Nếu vật chứng bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định tiêu hủy và tổ chức tiêu hủy tài sản.

Đối với vật chứng bị biến chất nguy hiểm, có thể gây mất an toàn cơ quan THADS phối hợp với các cơ quan chuyên môn để trao đổi, thống nhất phương án và tiến hành xử lý, đảm bảo an toàn đối với con người và vệ sinh, môi trường theo quy định của pháp luật chuyên ngành và Quy trình tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng ban hành kèm theo do Tổng cục THADS ban hành.

Trong trường hợp tiêu hủy vật chứng là chất độc, hóa chất nguy hiểm, ma túy số lượng lớn hoặc các loại vật chứng đặc thù khác nếu việc tiêu hủy dẫn đến mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường hoặc vượt quá khả năng, điều kiện xử lý thì cơ quan THADS phải phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Quân đội, Công an, Y tế, Tài nguyên môi trường… để tiến hành tiêu hủy.

Về lâu dài, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy định pháp luật liên quan đến vật chứng theo hướng thực hiện hệ thống một kho vật chứng dùng chung cho toàn bộ quá trình điều tra, xét xử và THADS. Kho vật chứng do cơ quan Công an chủ trì quản lý. Các cơ quan THADS chỉ phải tiếp nhận vật chứng do các cơ quan tố tụng chuyển giao sau khi bản án có hiệu lực thi hành.

Đọc thêm