Chủ động ứng phó thiên tai

(PLVN) - Lãnh đạo Chính phủ vừa có Công điện về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Ảnh minh họa.

Chỉ trong vài ngày vừa qua, tại đây đã xuất hiện nhiều trận động đất, trong đó có trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới nay. Hiện tượng này đã gây một số thiệt hại về nhà ở; ảnh hưởng tâm lý người dân trong vùng, nhất là khu vực gần tâm chấn động đất.

Việt Nam nằm trong mảng kiến tạo Âu - Á nên địa chất có phần ổn định, các đới đứt gãy chỉ gây ra các trận động đất ở mức độ trung bình. Do vậy, từ trước đến nay, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng ứng phó với động đất cho người dân chưa được thực hiện nhiều. Kể cả trong chiến lược, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở... cũng chưa cần thiết tính đến yếu tố có động đất.

Theo Viện Vật lý địa cầu, tính từ đầu năm 2023 tới nay, Việt Nam đã xảy ra gần 60 trận động đất. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân bị đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu. Các vụ động đất liên tục xảy ra tại huyện Kon Plông từ năm 2021 và kéo dài tới nay; nhưng cơ quan chức năng cũng mới đưa ra một số giải thích khá chung chung; như đây là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên. Viện Vật lý địa cầu cho hay một đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực đã được phê duyệt và triển khai. Đây sẽ cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến động đất kích thích ở khu vực này.

Theo các nhà khoa học, khi động đất lớn sẽ ảnh hưởng trên diện rộng; nếu tâm chấn nông và gần khu vực đô thị, đông dân cư thì càng có nhiều khả năng gây rung động mạnh; nền đất yếu ở khu vực bị ảnh hưởng cũng góp phần làm mức độ thiệt hại tăng lên. Chất lượng xây dựng công trình chống chịu các trận động đất ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ thiệt hại.

Từ thực tế đó, công điện yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực: Thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho Nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất; chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông để kịp thời phát hiện, có biện pháp ứng phó và khắc phục các sự cố, hư hỏng để bảo đảm an toàn cho công trình.

Đặc biệt, Thủ tướng giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất. Huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để phục vụ công tác truyền thông và chỉ đạo ứng phó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây hoang mang, bất ổn trong Nhân dân. Giải quyết như vậy mới là tận gốc vấn đề.

Đọc thêm