Chữ hiếu trong nền văn hóa toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chữ hiếu được xem là giá trị cốt lõi trong nhiều nền văn hóa, điển hình trong các xã hội Á Đông. Lòng hiếu thảo có thể biểu hiện qua lời nói và hành động cụ thể như việc chăm sóc cha mẹ già, tuân thủ các phong tục lễ nghi, duy trì truyền thống gia đình. Dù vậy, bối cảnh hiện đại và toàn cầu hóa đang tác động đến truyền thống hiếu thảo tại các quốc gia theo nhiều cách khác nhau.
Ở Nhật Bản, chữ hiếu bao gồm cả sự tôn trọng đối với tổ tiên và duy trì các phong tục truyền thống. (Ảnh: Nippon.com)
Ở Nhật Bản, chữ hiếu bao gồm cả sự tôn trọng đối với tổ tiên và duy trì các phong tục truyền thống. (Ảnh: Nippon.com)

Hiếu thảo là giá trị đạo đức cốt lõi

Trong các nền văn hóa Á Đông, gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội và chữ hiếu là một trong những giá trị đạo đức cốt lõi trong gia đình. Lòng hiếu thảo thúc đẩy sự tôn trọng và chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, nhất là giữa con cái và cha mẹ, từ đó tạo nền tảng cho cấu trúc gia đình ổn định, góp phần duy trì mối quan hệ gia đình bền chặt và hỗ trợ lẫn nhau.

Bởi vậy, hiếu thảo cũng là một chuẩn mực xã hội, được khắc sâu trong các giáo lý và văn hóa truyền thống. Chữ hiếu còn được coi là một yếu tố giúp duy trì các phong tục, lễ nghi và các hoạt động cộng đồng, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.

Điển hình ở Trung Quốc, chữ hiếu bắt nguồn từ triết học Nho giáo, được xem là một trong những nguyên tắc đạo đức quan trọng nhất. Chữ hiếu được coi là nền tảng của mọi đức tính tốt đẹp, là cơ sở của mọi mối quan hệ trong xã hội.

Quan niệm này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua nhiều câu chuyện, điển tích nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, chẳng hạn như “Nhị Thập Tứ Hiếu” - một tập hợp các câu chuyện về những tấm gương hiếu thảo được truyền tụng qua nhiều thế hệ.

Người Trung Quốc cũng tin rằng, việc thể hiện lòng hiếu thảo không chỉ giúp duy trì trật tự gia đình mà còn góp phần xây dựng xã hội ổn định, hài hòa. Chữ hiếu trong văn hóa Trung Quốc thường được thể hiện qua các hành động như chăm sóc cha mẹ khi họ già yếu, tôn trọng các quyết định của họ, cũng như tuân thủ các quy tắc gia đình.

Trong các xã hội truyền thống, chữ hiếu được hiểu là sự phục tùng hoàn toàn của con cái đối với cha mẹ, bao gồm cả việc chăm sóc và vâng lời không điều kiện. Trong thời hiện đại, mặc dù xã hội Trung Quốc đã trải qua nhiều thay đổi do sự phát triển kinh tế nhưng chữ hiếu vẫn là một trong những giá trị cơ bản. Các gia đình Trung Quốc ngày nay thường tổ chức các chuyến du lịch gia đình như một cách để thể hiện lòng hiếu thảo và củng cố mối quan hệ giữa các thế hệ​.

Cũng như quan niệm về lòng hiếu thảo của người Trung Quốc tập trung vào việc phụng dưỡng cha mẹ, ở Nhật Bản, chữ hiếu bao gồm cả sự tôn trọng đối với tổ tiên và duy trì các phong tục truyền thống. Một trong những biểu hiện nổi bật của lòng hiếu thảo ở Nhật Bản là truyền thống “Obon” - một lễ hội tổ chức vào mùa hè, nơi các gia đình tụ họp để tưởng nhớ tổ tiên đã khuất.

Obon là dịp mà người Nhật tin rằng linh hồn của tổ tiên sẽ trở về thăm con cháu. Trong những ngày này, người Nhật sẽ dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ tổ tiên, thắp hương và chuẩn bị các món ăn truyền thống để cúng tổ tiên. Lễ hội này không chỉ thể hiện lòng tôn kính đối với những người đã khuất mà còn là cơ hội để con cháu bày tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và các thế hệ đi trước.

Nhiều người Trung Quốc quan niệm phụng dưỡng cha mẹ là trách nhiệm của con cái. (Ảnh: Bloomberg)

Nhiều người Trung Quốc quan niệm phụng dưỡng cha mẹ là trách nhiệm của con cái. (Ảnh: Bloomberg)

Người Nhật Bản cho rằng việc con cái chăm sóc cha mẹ già yếu được coi là một trách nhiệm thiêng liêng và không thể từ bỏ. Bởi vậy, các gia đình Nhật Bản thường sống cùng nhau trong các ngôi nhà nhiều thế hệ. Trong nhiều trường hợp, con gái trưởng sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc cha mẹ, từ việc sinh hoạt hàng ngày đến việc chăm sóc y tế.

Dù xã hội Nhật Bản đã có những thay đổi lớn với sự xuất hiện của các trung tâm dưỡng lão và dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp, nhưng nhiều gia đình vẫn ưu tiên chăm sóc cha mẹ tại nhà. Một dẫn chứng cụ thể khác là người Nhật rất coi trọng việc tặng quà cho cha mẹ, đặc biệt là vào các dịp lễ như Tết, ngày của Mẹ, ngày của Cha, hay ngày sinh nhật. Những món quà này không nhất thiết phải có giá trị vật chất lớn, mà quan trọng hơn là sự chân thành và ý nghĩa mà chúng mang lại.

Thách thức toàn cầu hóa

Trong thời hiện đại, chữ hiếu dù vẫn giữ vai trò quan trọng trong các xã hội Á Đông, nhưng chính quan niệm này đang phải đối mặt với nhiều thách thức để thích nghi với bối cảnh mới. Một trong những thách thức lớn nhất là sự thay đổi về cấu trúc gia đình và lối sống do quá trình đô thị hóa và toàn cầu hóa.

Ở các thành phố lớn, việc sống chung giữa các thế hệ trong cùng một ngôi nhà ngày càng trở nên khó khăn hơn do chi phí sinh hoạt cao, không gian sống hạn chế và áp lực công việc. Điều này dẫn đến việc nhiều gia đình lựa chọn sống riêng lẻ, làm suy giảm sự gắn kết và tương tác giữa các thế hệ. Ngoài ra, sự gia tăng của các nhà dưỡng lão và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chuyên nghiệp cũng đang thay đổi cách hiểu và thể hiện lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ.

Bên cạnh đó, sự di cư toàn cầu đang ngày càng phổ biến vì nhiều mục đích khác nhau như công việc, học tập, du lịch…, cũng khiến nhiều gia đình hiện nay sống xa cách về mặt địa lý. Nhiều người trẻ ở châu Á cũng phải rời xa gia đình để tìm kiếm cơ hội việc làm, thực tế này làm suy giảm sự kết nối gia đình và trách nhiệm hiếu thảo của họ. Tuy nhiên, công nghệ hiện đại đã phần nào bù đắp cho khoảng cách, mở ra những cách thức mới để duy trì mối quan hệ giữa các thế hệ, thông qua các cuộc gọi video, mạng xã hội, và các phương tiện liên lạc khác trên nền tảng số.

Đáng chú ý, sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, với quan niệm cá nhân hóa và tự do cá nhân, cũng đang thách thức quan niệm truyền thống về chữ hiếu tại các quốc gia Á Đông. Thay vì nhấn mạnh vào trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ, các gia đình ở phương Tây coi trọng sự tự do của mỗi cá nhân trong việc quyết định cuộc sống của mình, trong khi vẫn duy trì mối quan hệ tình cảm và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thế hệ​.

Ngoài ra, trong các cộng đồng nhập cư ở phương Tây, chữ hiếu còn được biểu hiện theo cách phản ánh sự pha trộn giữa giá trị truyền thống và hiện đại. Con cái có thể chăm sóc cha mẹ theo cách mà họ đã học từ văn hóa gốc, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng và thấu hiểu đối với nhu cầu cá nhân và quyền tự do của cha mẹ trong bối cảnh mới​.

Các dịch vụ chăm sóc người già đang ngày càng nở rộ ở Trung Quốc. (Ảnh: CGTN News)

Các dịch vụ chăm sóc người già đang ngày càng nở rộ ở Trung Quốc. (Ảnh: CGTN News)

Trong một thế giới đa dạng văn hóa, quan niệm về hiếu thảo có thể được hiểu và áp dụng theo nhiều cách khác nhau. Trong một số trường hợp, quan niệm về hiếu thảo có thể bị ảnh hưởng, hạn chế bởi các giá trị cá nhân, nhưng trong những trường hợp khác, lại được củng cố thông qua sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại.

Tại hầu hết các quốc gia châu Á, những thách thức của bối cảnh hiện đại không làm giảm đi tầm quan trọng của chữ hiếu mà ngược lại, giúp thúc đẩy sự tái đánh giá và điều chỉnh các quan niệm truyền thống để phù hợp hơn với hoàn cảnh.

Các giá trị hiếu thảo vẫn được bảo tồn và thậm chí còn được đề cao trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, văn hóa nghệ thuật, và truyền thông đại chúng, tiếp tục định hình mối quan hệ gia đình cũng như các chuẩn mực xã hội. Nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đã tích cực thực hiện các chiến dịch tuyên truyền nhằm khơi dậy và giữ gìn giá trị chữ hiếu trong giới trẻ.

Tuy vậy, dù cách hiểu và áp dụng chữ hiếu có thể khác nhau tùy theo bối cảnh, nhưng giá trị cốt lõi của lòng hiếu thảo vẫn có phần tương đồng giữa các nền văn hóa. Chữ hiếu đại diện cho sự tôn trọng, yêu thương và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ và các thế hệ đi trước. Việc duy trì và phát triển chữ hiếu trong xã hội hiện đại không chỉ giúp định hình nhân cách đạo đức của mỗi cá nhân, củng cố mối quan hệ gia đình mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh.