Vu Lan báo hiếu: Tâm thành hơn hình thức

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mùa Vu Lan mang theo những giá trị nhân văn sâu sắc về lòng biết ơn và sự tri ân đối với đấng sinh thành, tổ tiên. Tuy nhiên, bên cạnh những hoạt động ý nghĩa, vẫn còn nhiều người lầm tưởng về cách thể hiện lòng thành kính, sa đà vào các hủ tục mê tín như đốt vàng mã tràn lan hay "mua" phóng sinh một cách vô tội vạ.
Vu Lan báo hiếu: Tâm thành hơn hình thức
Vu Lan báo hiếu: Tâm thành hơn hình thức

Tại Việt Nam, ngày 15 tháng 7 âm lịch hàng năm được chọn làm ngày Lễ Vu Lan. Năm nay, lễ Vu Lan rơi vào Chủ nhật, ngày 18/8 dương lịch.

Đốt vàng mã: Khi lòng thành biến thành gánh nặng

Tục lệ đốt vàng mã đã tồn tại từ lâu đời trong văn hóa tâm linh người Việt, với niềm tin rằng những vật phẩm này sẽ được gửi đến người đã khuất ở thế giới bên kia. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, tục lệ này đang dần biến tướng, trở thành một cuộc đua "chạy theo hình thức", thể hiện qua việc đốt vàng mã với số lượng lớn, thậm chí là những món đồ xa xỉ, đắt tiền như nhà lầu, xe hơi, điện thoại... Điều này không chỉ đi ngược lại với giáo lý, tinh thần Phật giáo, gây lãng phí tiền bạc của người sống mà còn tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng.

Việc sản xuất và đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các cơ sở sản xuất vàng mã thường sử dụng nhiều hóa chất độc hại, thải ra môi trường không khí và nước. Quá trình đốt vàng mã cũng tạo ra lượng lớn khí thải, bụi mịn, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Không những vậy, tục đốt vàng mã tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, đặc biệt là ở các khu vực đông dân cư, nhà cao tầng. Đã có không ít vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra do sự bất cẩn trong việc đốt vàng mã.

Quan trọng hơn cả, việc quá chú trọng vào hình thức đốt vàng mã đã làm lu mờ đi ý nghĩa thực sự của ngày lễ Vu Lan. Lòng thành kính, sự biết ơn và tưởng nhớ đến người đã khuất không thể đo đếm bằng số lượng vàng mã đốt đi.

Trong xã hội hiện đại, tục lệ đốt vàng mã đang dần biến tướng, trở thành một cuộc đua "chạy theo hình thức"

Trong xã hội hiện đại, tục lệ đốt vàng mã đang dần biến tướng, trở thành một cuộc đua "chạy theo hình thức"

Theo tinh thần của đạo Phật, báo hiếu với cha mẹ, ông bà trước hết và quan trọng nhất là phải thể hiện khi họ còn sống, phải biết chăm lo, phụng dưỡng bố mẹ cả về vật chất và tinh thần bởi “phụ mẫu tại đường như Phật tại thế” (cha mẹ còn sống trên đời giống như Phật còn hiện hữu).

Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ bao la như trời biển. Đạo làm con phải biết hiếu thuận, phụng dưỡng cha mẹ, làm cho cha mẹ an vui ngay trong hiện đời.

Tuy vậy, theo lời Phật dạy vẫn là chưa đủ để báo ân trọn vẹn cho cha mẹ. Ngoài lòng hiếu thảo, phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ, người con còn cần trợ duyên giúp cha mẹ biết bỏ ác làm lành, tích phước, hướng thiện, gieo trồng những nhân lành trong hiện đời. Nhân lành này sẽ trổ quả ngọt để cha mẹ “nay vui, đời sau vui”.

Và khi cha mẹ đã khuất núi, thì cách báo hiếu, tri ân theo tinh thần Phật giáo cũng không phải là xì xụp cầu cúng, dâng mâm cao cỗ đầy, hay đốt vàng mã những mong mẹ cha, tiên tổ được hưởng thụ như những người đang sống.

Việc tỏ lòng thành kính biết ơn có nhiều cách thể hiện khác nhau, nhưng đều phải hướng tới mang lại lợi ích thiết thực cho cả người sống và người đã khuất. Con cháu trong gia đình nên làm thật nhiều việc thiện, như hộ trì Phật pháp, tham gia, ủng hộ các chương trình thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn, cống hiến cho cộng đồng,... để hồi hướng phước báu cho cha mẹ, ông bà, tiên tổ.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, cần nhiều biện pháp tuyên truyền để hạn chế tối đa việc đốt vàng mã - một biến tướng từ nhận thức “trần sao, âm vậy”, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí. Một trong những nguyên nhân của sự mê muội, biến tướng này được cho là do sự thiếu hiểu biết về tôn giáo, tín ngưỡng của một bộ phận người dân.

Ông cho rằng việc người dân đốt nhiều vàng mã không chỉ do thói quen truyền thống mà còn do hiệu ứng đám đông và áp lực xã hội. Trong một số trường hợp, việc tham gia vào các hoạt động như đốt vàng mã là do áp lực từ thói quen xã hội hoặc so sánh, bắt chước nhau. Số tiền mua và đốt vàng mã, chạy theo những dịch vụ mê tín dị đoan có thể được sử dụng để thăm hỏi tặng quà người có công, làm việc thiện là thêm ý nghĩa cho dịp Vu lan. Nếu không có tâm thiện, việc thiện thì mâm cao cỗ đầy hay đốt tiền vàng nhiều đến đâu cũng vô ích.

"Mua" phóng sinh: Từ tâm hay tiếp tay cho tội ác?

Phóng sinh là một hành động từ bi, thể hiện lòng yêu thương muôn loài. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là nhiều người đã lợi dụng lòng tốt này để trục lợi, biến phóng sinh thành một hình thức kinh doanh.

Chim, cá, rùa... bị săn bắt, nuôi nhốt trong điều kiện tồi tệ, thậm chí bị tiêm thuốc kích thích để tăng trọng lượng trước khi được bán ra với giá cao. Sau khi được phóng sinh, nhiều loài động vật không thể thích nghi với môi trường tự nhiên và chết dần chết mòn.

Phóng sinh sai cách là tạo nghiệp

Phóng sinh sai cách là tạo nghiệp

Việc "mua" phóng sinh một cách thiếu hiểu biết không chỉ gây hại cho động vật mà còn tiếp tay cho nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã. Thay vì thể hiện lòng từ bi, hành động này lại vô tình gây ra đau khổ cho chúng sinh.

Vu Lan báo hiếu: Trở về với giá trị cốt lõi

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trưởng ban Thông tin - Truyền thông T.Ư GHPGVN khẳng định, ba trụ cột văn hóa quan trọng nhất ở Việt Nam là gia đình, cộng đồng làng xã và quốc gia dân tộc. Đức báo ân, báo hiếu trong Phật giáo tạo lập chất keo gắn kết các trụ cột này.

“Đạo hiếu từ ngàn đời nay vẫn luôn là giá trị đạo đức cao đẹp, là nền tảng cho mọi sự phát triển trong cuộc sống. Ngày lễ Vu lan không chỉ đơn thuần là lễ tôn giáo thiêng liêng, mà còn là một ngày lễ của tình người có ý nghĩa đặc biệt, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, trở về với đạo lý uống nước nhớ nguồn”, Hòa thượng Thích Gia Quang khẳng định.

Vài năm trở lại đây, vào mùa Vu lan báo hiếu, GHPGVN kêu gọi tránh tổ chức thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh, thực hiện các nghi lễ không phù hợp với chính pháp và nghi lễ truyền thống, không đốt vàng mã.

Thông bạch của GHPGVN về việc tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu năm 2024 khuyến khích mọi người thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực, cứu giúp người có hoàn cảnh khó khăn để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ.

Nhiều chùa, cơ sở tự viện hạn chế, tiến tới xóa bỏ việc đốt vàng mã. Từ ngày 1/7/2024, các di tích của huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thực hiện việc “Nói không với hoạt động cúng đốt vàng mã”.

Từ nhiều năm nay, BQL phủ Tây Hồ, Hà Nội, hạn chế đốt vàng mã. Mỗi khách thập phương đến phủ được khuyến khích thắp một nén nhang.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng hướng dẫn việc quản lý và tổ chức các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, tiết kiệm phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống và văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Đọc thêm