"Không tội nào lớn bằng tội bất hiếu, không có phước nào lớn hơn phước hiếu thảo"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ Vu Lan với ý nghĩa đề cao, nhắc nhở mỗi người sống hướng thiện, có lòng tri ân, góp phần xây dựng một gia đình nền nếp và yêu thương nhau, làm nền tảng cho một xã hội vững chắc. Không tội nào lớn bằng tội bất hiếu, không có phước nào lớn hơn phước hiếu thảo".
"Không tội nào lớn bằng tội bất hiếu, không có phước nào lớn hơn phước hiếu thảo"

Nói về nguồn gốc của Lễ Vu lan, Đại đức Thích Đạo Minh - Ủy viên Ban Hoằng pháp GHPG tỉnh Phú Thọ (chùa Đông Quang, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) cho biết, đây là một truyền thống tốt đẹp trong giáo lý Phật giáo Đại thừa, xuất phát từ tích truyện ngài Mục Kiền Liên - 1 vị đệ tử của Phật - sau khi chứng thần thông, thấy mẹ bị chịu đoạ đày nơi địa ngục vì những tội lỗi đã gây ra trên thế gian. Đức Phật đã dạy ngài Mục Kiền Liên pháp Vu Lan để cứu mẹ và vô số chúng sinh đang chìm đắm cũng được thoát khổ. Sau này, hàng đệ tử Phật tiếp tục truyền thống đó, mỗi khi đến rằm tháng 7 đều thiết lập đàn lễ tại các chùa để tưởng nhớ, báo đáp và cầu nguyện cha mẹ nhiều đời kiếp được an lành.

"Ngày nay, các chùa, tự viện ngoài việc thiết lập trai đàn phổ độ gia tiên còn tổ chức nghi lễ Bông hồng cài áo mang tính giáo dục và nhân văn rất cao. Chữ hiếu và công ơn cha mẹ được đề cao, nhắc nhở mỗi tín đồ Phật tử sống hướng thiện, có lòng tri ân, báo ân góp phần xây dựng mỗi gia đình có nền nếp và sống yêu thương nhau, kính trọng cha mẹ, ông bà và làm nền tảng cho một xã hội vững chắc. Đó là những đóng góp vô cùng thiết thực của Phật giáo và Tăng đoàn đối với xã hội ngày nay", Đại đức Thích Đạo Minh nhận định.

Cho rằng Lễ Vu Lan báo hiếu là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt, đã có những lý giải về ý nghĩa của ngày lễ này. Theo đó, Vu Lan gọi đủ là Vu Lan bồn, nghĩa đen là cởi trói người đau khổ, như đang bị treo ngược, nghĩa bóng cứu vớt chúng sinh đang bị khổ đau trong ba đường: Địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Lễ Vu Lan diễn ra vào đúng ngày rằm tháng 7, là ngày kết thúc sau ba tháng chư tăng an cư kiết hạ. Thói quen tốt đẹp này được chư tăng duy trì từ thời đức Phật đến nay.

"Trong các mối quan hệ giữa con người với nhau, đức Phật thường xuyên dạy về cách ứng xử, trong đó có mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, và người con với cha mẹ. Qua Lễ Vu Lan hàng năm, mọi người càng đề cao tinh thần đạo hiếu để người con hiểu rõ hơn về công lao, tình cảm mà người cha, người mẹ dành cho con, đây là tình cảm thiêng liêng nhất đối với bản thân mình. Có rất nhiều Phật tử, những người có duyên đọc kinh Vu Lan, suy ngẫm cảm động khó tả trong lòng, chỉ biết cảm động rơi nước mắt", Đại đức Thích Đạo Tú - Chùa Sùng Đức, huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) có lời nhắn đến các phật tử.

Lễ Vu Lan được đông đảo người dân biết đến, song lại chưa hiểu hết về những việc nên làm để thể hiện lòng kính trọng và tôn trọng đối với tổ tiên và cha mẹ. Chính vì thế, Đại đức Thích Đạo Minh đã chỉ ra những việc cần làm và hướng dẫn cách làm đúng đạo: "Điều đầu tiên, mỗi chúng ta cần hướng đến cha mẹ, ông bà trong gia đình, quan tâm, chăm sóc, báo hiếu thiết thực. Tiếp đến, có thể sửa soạn mâm cơm, hoa quả thanh tịnh dâng lên cúng tổ tiên đã quá vãng tại tư gia. Cùng với đó, thực hiện nhiều việc thiện hồi hướng cầu nguyện cha mẹ hiện tiền được tăng phúc thọ, tổ tiên quá vãng được sinh cõi lành. Tốt hơn nữa, chúng ta đến các chùa, theo hướng dẫn của các thầy Sư thực hiện tụng kinh, niệm phật, lập trai đàn tế độ gia tiên".

Theo Ủy viên Ban Hoằng pháp GHPG tỉnh Phú Thọ, sắm lễ cúng gia tiên nhân tiết Vu Lan không quá cầu kỳ, lãng phí, miễn là thành tâm (sắm sửa thanh bông, hoa quả, trầu cau) hoặc ai có điều kiện hơn thì sắm sửa mâm cơm thanh tịnh.

"Trong giáo lý đạo Phật không dạy đốt vàng mã, nhưng theo phong tục mỗi nơi, có thể tuỳ tâm, nhưng không nên quá đà, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường", Đại đức Thích Đạo Minh lưu ý thêm.

Các phật tử dự lễ tại chùa Đông Quang (Phú Thọ).

Các phật tử dự lễ tại chùa Đông Quang (Phú Thọ).

Nhấn mạnh ý nghĩa của Lễ Vu Lan là dịp để tưởng nhớ, báo hiếu với ông bà cha mẹ và cầu nguyện cho linh hồn của người đã khuất, Đại đức Thích Đạo Tú - Chùa Sùng Đức, huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) nhắn nhủ:

"Con người là nhân tố của một gia đình, gia đình là tế bào của xã hội... nhân tố tốt thì gia đình hạnh phúc và vui vẻ. Đặc biệt, mối quan hệ cha mẹ và con cái, giữa thế hệ trước và sau dìu dắt, dạy bảo nhau cho nên cha mẹ đi trước làm gương, con cái học đòi theo. Cần sống và ứng xử cho đúng đạo. Theo kinh phật dạy, không tội nào lớn bằng tội bất hiếu, không có phước nào lớn hơn phước hiếu thảo".

Lễ Vu Lan hàng năm rơi vào ngày rằm tháng 7, tức ngày 15 tháng 7 âm lịch. Đây là dịp để mỗi chúng ta nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, đồng thời thể hiện lòng hiếu thảo bằng những việc làm thiết thực, có ý nghĩa. Vu Lan không chỉ ngày lễ của riêng Phật giáo, mà còn là ngày lễ chung của toàn dân tộc, thể hiện truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”…

Đọc thêm