'Chủ quán Xin Chào 'thua', dư luận sẽ hiểu mọi việc kinh doanh có thể đi tù“

Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Lê Mạnh Hà, điều cần thiết nhất sau vụ việc truy tố chủ quán cà phê là không để doanh nghiệp cảm thấy bất cứ lúc nào cũng có thể rơi vào hoàn cảnh của ông Nguyễn Văn Tấn.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà.

Quan điểm nêu trên được nguyên Phó chủ tịch TP HCM, nay là Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chia sẻ khi chủ trì cuộc họp báo sáng 22/4 về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2016, dự kiến diễn ra sau đây một tuần.

Trước đó, vụ việc ông chủ quán cà phê Xin Chào tại huyện Bình Chánh (TP HCM) -Nguyễn Văn Tấn bị công an và tòa án địa phương truy tố vì vi phạm hành chính do kinh doanh buôn bán cà phê giải khát, ăn sáng... khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã gây bức xúc trong dư luận. Quyết định truy tố sau đó ra được rút lại sau tác động của nhiều cấp, trong đó có lãnh đạo Chính phủ.

"Thủ tướng rất quan tâm. Chúng tôi vào báo cáo thì ông đưa ngay cho bài báo, đề nghị văn phòng tham mưu. Chưa kịp tham mưu bằng văn bản thì Thủ tướng chỉ đạo ngay, tháo ngòi nổ cho vụ này, không hình sự hóa", ông Hà chia sẻ.

Nói về ý kiến cá nhân, nguyên Phó chủ tịch TP HCM cho rằng nếu người bán cà phê "thua" thì thông điệp đưa ra sẽ rất xấu. "Dư luận có thể hiểu là mọi việc kinh doanh đều có thể đi tù", ông nói.

Ông Lê Mạnh Hà cho rằng không nên để doanh nghiệp cảm thấy có thể rơi vào tình trạng rủi ro bất cứ lúc nào.

Vị này cho rằng quan điểm của cơ quan xử lý trong vụ việc nêu trên là có cơ sở pháp lý, song cần xem xét tận gốc động cơ của việc truy tố là gì. "Quan điểm của ta là suy đoán vô tội thì tôi thấy rất khó có tội trong vụ việc này. Tôi từng làm ở địa phương, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh không phải là giấy phép kinh doanh", vị Phó chủ nhiệm nêu quan điểm.

Cũng theo ông Hà, Bộ luật Hình sự mới đây đã bỏ tội kinh doanh trái phép, nên nếu đưa ra tội này thì không đúng tinh thần luật mới, chưa nói là không tạo điều kiện cho người dân mưu sinh. "Đừng để doanh nghiệp cảm thấy có thể rơi vào tình trạng như ông bán cà phê", ông kết luận.

Cũng chia sẻ tại họp báo, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Vũ Tiến Lộc cho rằng chỉ đạo tránh hình sự hóa vụ quán cà phê mà lãnh đạo Chính phủ đưa ra là một việc làm nhỏ nhưng phát đi thông điệp lớn. "Không hình sự hóa việc đó tức là đảm bảo sự an toàn của môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp và người dân sẽ được bảo vệ", ông nói.

Cũng theo ông Lộc, hiện môi trường kinh doanh không chỉ có nhiều trở ngại mà còn những yếu tố kém an toàn. Do đó, niềm tin của doanh nghiệp được đảm bảo, trước hết cần đảm bảo an toàn cho họ khi kinh doanh.

Trước đó, TAND huyện Bình Chánh đã ra quyết định xét xử vụ án vào ngày 28/4 theo đề nghị truy tố của cơ quan công an. Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định, ngày 18/8/2015, ông Tấn bị Công an huyện Bình Chánh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính do buôn bán cà phê giải khát, ăn sáng... khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Sau khi bị xử phạt, đến 10/9, Công an huyện Bình Chánh phát hiện ông Tấn tiếp tục kinh doanh trái phép cà phê, nước giải khát... khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo tòa, cùng một hành vi vi phạm kinh doanh trái phép nhưng biên bản lập ngày 13/8/2015 có nội dung xác định hành vi của ông Tấn là hoạt động kinh doanh nhưng không có giấy đăng ký kinh doanh.

Còn trong biên bản ngày 17/8/2015, được lập tại trụ sở Công an huyện với các hành vi vi phạm gồm: không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên thuộc diện phải khám sức khỏe, sử dụng khu vực chế biến, bảo quản không đảm bảo vệ sinh; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; không lưu giữ đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu về quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Trong khi đó, quyết định xử phạt hành chính ngày 18/8/2015 của Công an huyện lại căn cứ vào cả hai biên bản trên. Do vậy, tòa cần xem xét thêm các chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung nên quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát điều tra bổ sung, làm rõ thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với chủ quán cà phê về hành vi kinh doanh thuộc trường hợp phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chưa được cấp đã tiến hành kinh doanh.

Quyết định này cũng được đưa ra sau nhiều sức ép của dư luận, thông điệp của lãnh đạo Chính phủ và TP HCM. Ngày 21/4, Công an TP HCM cũng họp báo để nêu quan điểm về vụ việc này.

Đọc thêm