Chủ tịch Alain Cany: Chưa doanh nghiệp EuroCham nào có ý định rời khỏi Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chủ tịch EuroCham Alain Cany nhấn mạnh chưa có doanh nghiệp châu Âu có ý định rời hoạt động sản xuất, kinh doanh khỏi Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn thích đầu tư vào Việt Nam và lạc quan, tin tưởng vào tương lai của Việt Nam trong điều kiện Việt Nam hành động sớm để kiểm soát dịch bệnh, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các đại biểu tham dự buổi họp báo trực tuyến chiều tối 9/9.
Các đại biểu tham dự buổi họp báo trực tuyến chiều tối 9/9.

Chiều tối nay (9/9), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức họp báo trực tuyến thông tin về cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Chủ tịch Tập đoàn Jardine Matheson, Chủ tịch EuroCham Alain Cany thông tin, qua 3 tuần triển khai chiến dịch “Hồi sinh nhịp thở Việt Nam” (Breathe again Vietnam), EuroCham đã kêu gọi được hơn 1 triệu euro (tương đương 28 tỷ đồng) để mua các trang thiết bị y tế, máy thở, hỗ trợ cho ngành Y tế và hy vọng kêu gọi được 40 tỷ đồng cho chiến dịch. Tại cuộc làm việc chiều nay, EuroCham đã trao tấm séc biểu tượng của chiến dịch cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, EuroCham cũng nỗ lực cung cấp bổ sung thêm vaccine cho Việt Nam nhưng điểm khó ở chỗ các nhà sản xuất vaccine không cho công ty tư nhân mua trực tiếp. Vì vậy, thông qua Đại sứ quán châu Âu ở Việt Nam và các công ty có trụ sở tại châu Âu thì đã có thành công nhất định, từ đó ông Cany mong muốn sẽ hỗ trợ được vaccine hơn và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng hơn trong thời gian tới.

Đặc biệt, Chủ tịch EuroCham Alain Cany chia sẻ, do bối cảnh dịch bệnh COVID phức tạp hiện nay, đã có khoảng 18% đơn hàng của các doanh nghiệp châu Âu phải chuyển ra nước khác để bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng và 16% đơn hàng được cho rằng sẽ cần chuyển ra nước ngoài. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh chưa có doanh nghiệp châu Âu có ý định rời hoạt động sản xuất, kinh doanh khỏi Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn thích đầu tư vào Việt Nam và lạc quan, tin tưởng vào tương lai của Việt Nam trong điều kiện Việt Nam hành động sớm để kiểm soát dịch bệnh, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ một số thông tin đã phát biểu tại buổi làm việc, ông Guru Mallikarjuna - thành viên Ban Lãnh đạo EuroCham, cho biết, các doanh nghiệp châu Âu tập trung vào ngành sản xuất, những tác động lớn nhất mà các doanh nghiệp, nhà máy đang gặp phải và hướng giải quyết những thách thức này như hướng dẫn thống nhất, chi tiết, rõ ràng về đi lại của người dân, công nhân, về hàng hóa thiết yếu, trong triển khai các mô hình 3 tại chỗ, 1 tuyến đường – 2 điểm đến.

Ông cũng cho rằng, điểm quan trọng nhất là tiêm chủng vaccine cho mọi người, làm thế nào phải đẩy nhanh tiêm chủng, ưu tiên tiêm cho các công nhân để hỗ trợ họ quay trở lại sản xuất tốt hơn và như thế sẽ mang lại lợi ích cho Chính phủ. Đảm bảo sức khoẻ của người dân, việc làm cho công nhân.

Các đối tác châu Âu vẫn luôn sát cánh cùng Việt Nam chống lại dịch bệnh.

Các đối tác châu Âu vẫn luôn sát cánh cùng Việt Nam chống lại dịch bệnh.

Đại sứ Pháp Nicolas Warnery đánh giá cuộc làm việc rất hiệu quả, hiểu được quan điểm của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các đại biểu tham dự trực tuyến. Thực hiện hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu, ông khẳng định rất nhiều đối tác châu Âu đã hỗ trợ, sát cánh cùng Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh – đây là cuộc chiến chung của tất cả các bên và chúng ta sẽ tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam để chống lại đại dịch.

Tin vui là cách đây 2 tuần, các doanh nghiệp hỗ trợ vaccine qua COVAX cho Việt Nam. Các nhà đầu tư châu Âu và cả doanh nghiệp Việt Nam đều mong muốn giải quyết khó khăn để duy trì hoạt động, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, đóng góp vào nền kinh tế. Nhưng những hạn chế do COVID gây ra hiện nay thì rất khó để phát triển nên tiêm vaccine đúng là yếu tố thiết yếu. Với chương trình tiêm chủng của Việt Nam thì các đối tác sẽ hỗ trợ cho Việt Nam nhiều vaccine hơn nữa, nỗ lực hết sức để cung cấp vaccine cho mọi người.

Tuy nhiên, Đại sứ Pháp khuyến nghị quá trình nhập cảnh cho chuyên gia, nhà quản lý đã tiêm vaccine đầy đủ cần cởi mở hơn, có như vậy sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế. Đồng thời, ông cũng đề nghị các bên hỗ trợ việc triển khai Hiệp định EVFTA để đưa vào thực tế những nội dung của Hiệp định này.

Một số đại biểu thì cho rằng, việc thực hiện ở cấp địa phương mới là điều quan trọng bởi thực tế cho thấy có khoảng cách lớn trong thực thi giữa Trung ương và địa phương, đòi hỏi phải có nhiều buổi đối thoại tương tự như cuộc làm việc với Thủ tướng được tổ chức ở địa phương. Tuy nhiên, các đại biểu tin tưởng vì Chính phủ khẳng định các địa phương sẽ triển khai sớm Nghị quyết của Chính phủ, trong đó có việc tiêm vaccine.

Đọc thêm