Theo Reuters, tuyên bố trên được Pelosi đưa ra sau khi Nhà Trắng ngày 14/2 thông báo rằng ông Trump dự kiến sẽ vừa ký dự luật chi tiêu và vẫn sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đảm bảo có tiền xây dựng bức tường dọc biên giới phía Nam mà ông đã cam kết xây dựng từ khi tranh cử tổng thống.
“Tổng thống Trump sẽ ký dự luật chi tiêu của chính phủ như ông ấy đã khẳng định trước đây. Ông ấy cũng sẽ có thêm hành động điều hành khác, bao gồm việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, để đảm bảo chúng ta sẽ ngăn chặn được cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia và nhân đạo ở biên giới”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders khẳng định trong một tuyên bố.
“Tôi có thể. Chúng tôi sẽ xem xét những lựa chọn mà chúng tôi có”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ khẳng định khi được hỏi về khả năng bà sẽ để đơn kiện chống lại tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Bà Pelosi cũng tuyên bố rằng đảng Dân chủ sẽ có phản ứng thích hợp. “Trước hết, những việc đang diễn ra ở khu vực biên giới không phải là tình trạng khẩn cấp. Đó là thách thức nhân đạo đối với chúng ta”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ lý giải thêm.
Theo bà Pelosi, đảng Cộng hòa có thể sẽ phải hối hận về tiền lệ mà việc ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp đặt ra, ví dụ như việc ông có thể sẽ cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về bạo lực súng ống.
Theo Huffington Post, động thái ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của tổng thống là động thái nhằm nỗ lực bỏ qua sự phê chuẩn của Quốc hội để chi tiêu hàng tỷ USD vào bức tường biên giới.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ ở cùng đảng Cộng hòa đã lên tiếng cảnh báo ông Trump về khả năng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Nghị sỹ Marco Rubio hồi tháng trước cho rằng việc làm như vậy là một ý tưởng tệ hại.
Lãnh Đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell hồi đầu tháng cũng đã cảnh báo tổng thống về việc tránh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì ngân sách xây tường với lý do quyết định này có thể dẫn đến phản ứng dữ dội từ chính các thành viên trong Đảng của ông.
Ngoài ra, ông McConnell cũng được cho là đã cảnh báo tổng thống về việc Quốc hội có thể thông qua một nghị quyết phản đối tuyên bố của tổng thống. Việc Quốc hội không phê chuẩn có thể buộc ông Trump xem xét khả năng sử dụng quyền phủ quyết đầu tiên của mình kể từ khi nhậm chức.
Trong một diễn biến có liên quan, Thượng viện Mỹ ngày 14/2 đã bỏ phiếu thông qua dự luật chi tiêu nhằm ngăn chặn khả năng chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần lần thứ 2 trong năm với tỉ lệ 83 phiếu thuận và 16 phiếu chống. Dự luật không bao gồm khoản chi tiêu 5,7 tỉ USD mà Tổng thống Donald Trump muốn.
Với việc đã được Thượng viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển tới để Hạ viện hiện do đảng Dân chủ kiểm soát bỏ phiếu.