Nhìn lại bài hát đầu tiên viết về Bác Hồ
Đất nước Việt Nam tự hào sở hữu một kho tàng âm nhạc phong phú, trong đó những ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ một vị trí đặc biệt, thiêng liêng. Những ca khúc ấy không chỉ ca ngợi tấm gương vĩ đại của vị lãnh tụ kính yêu, mà còn khắc họa chân thật hình ảnh một người mang dáng hình dân tộc và là biểu tượng sáng ngời của Nhân dân, của dân tộc Việt Nam.
Mỗi bài hát mang một sắc thái riêng nhưng đều có điểm chung là được viết bằng tình cảm chân thành, lòng biết ơn sâu sắc và niềm kính yêu vô hạn của nhiều thế hệ nhạc sĩ đối với người Cha già của dân tộc. Người ta vẫn thường nói: “Tất cả những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim” và có lẽ chính vì thế mà mỗi khi những giai điệu thân quen ấy vang lên trên sóng phát thanh, sóng truyền hình lại triệu triệu trái tim thổn thức, xúc động và tự hào.
Bàn về những ca khúc viết về Bác Hồ chắc chắn phải kể đến những tác phẩm đã trở thành bất hủ như “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, “Hát về Người” của nhạc sĩ Đoàn Bổng, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã hay “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên… Đây đều là những bài hát quen thuộc, đi cùng năm tháng, đi vào trái tim của biết bao thế hệ người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, để có được kho tàng đồ sộ như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến những ca khúc đầu tiên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tác phẩm đã đặt nền móng cho việc khắc họa hình ảnh Người trong âm nhạc. Chính những ca khúc ấy đã mở đường, khơi nguồn cảm hứng để hình tượng Bác Hồ trở thành một chủ đề thiêng liêng, lan tỏa mạnh mẽ trong các sáng tác của hầu hết các nhạc sĩ lớn ở thế kỷ XX.
Nhìn lại chặng đường lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam, từ thuở bình minh của tân nhạc, khi đất nước còn trong khói lửa chiến tranh và khát vọng độc lập, hình ảnh Bác Hồ đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ. Một trong những ca khúc đầu tiên viết về Bác Hồ là bài “Biết ơn cụ Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Lưu Bách Thụ (bút danh Thụ Trang).
Chứng kiến hình ảnh Bác Hồ vừa vĩ đại, vừa giản dị và gần gũi với Nhân dân trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhạc sĩ Lưu Bách Thụ. Chính cảm xúc mãnh liệt từ khoảnh khắc thiêng liêng ấy đã trở thành nguồn cảm hứng để ông sáng tác ca khúc thể hiện tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác.
Ca khúc “Biết ơn cụ Hồ Chí Minh” lần đầu tiên được cất vang tại rạp Sán Nhiên Đài trên phố Đào Duy Từ (Hà Nội), trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ an ninh, trật tự những ngày đầu cách mạng mới thành công của Công an Đồn Hàng Trống. Ngay sau đó, bài hát tiếp tục được lựa chọn biểu diễn chào mừng tại Hội nghị gặp gỡ những người có công với cách mạng, do UBHC (nay là UBND) TP Hà Nội tổ chức tại Nhà hát Lớn. Với giai điệu tha thiết, ngọt ngào và lời ca dễ hát, dễ thuộc đặc trưng của thể loại chanson populaire (ca khúc quần chúng): “Dân Nam ơi biết ơn cụ Hồ đời đời. Bao nhiêu năm sống trong nguy nan điêu linh…”, ca khúc nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt của các đại biểu và Nhân dân. Từ đó, bài hát đã lan rộng suốt từ Bắc chí Nam qua con đường truyền miệng.
Thế nhưng, phải mãi đến sau ngày lập lại hòa bình ở miền Bắc năm 1954, ca khúc mới chính thức được dàn dựng và thu âm tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó, “Biết ơn cụ Hồ Chí Minh” tiếp tục khẳng định sức sống bền bỉ, vượt thời gian. Đến nay, thi thoảng, bài hát vẫn được vang lên trong các chương trình ca nhạc, đặc biệt vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, như một lời tri ân sâu sắc và thiêng liêng của Nhân dân dành cho vị lãnh tụ kính yêu.
Khi những lời ca, giai điệu tiếp tục vang vọng
Nối tiếp ca khúc đầu tiên, chỉ sau một thời gian ngắn, hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại lại xuất hiện những ca khúc của nhạc sĩ Minh Tâm, Nguyễn Văn Khánh, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao. Điểm chung nổi bật của những bài hát về Bác Hồ trong giai đoạn này là tinh thần đề cao Người như một biểu tượng rất vĩ đại, cao siêu. Từ ca từ đến giai điệu đều có hơi hướng thánh ca - nghĩa là ca ngợi như một vị thánh. Đây là nét đặc trưng thấy rõ trong những sáng tác âm nhạc thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Bởi từ sau năm 1954, khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng hòa bình ở miền Bắc, hình ảnh Bác Hồ trong âm nhạc dần trở nên gần gũi, đời thường hơn, như một người Cha, một người bạn, một vị lãnh tụ giữa lòng dân.
Tiêu biểu nhất cho khuynh hướng trên là bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của Lưu Hữu Phước. Ca khúc này được sáng tác năm 1947, từ tấm lòng kính yêu của tác giả dành cho vị Chủ tịch nước một đời vì nước, vì dân. Ca khúc ngắn gọn, súc tích mang giai điệu trang nghiêm, sâu lắng. Khi được thể hiện dưới hình thức đồng ca tạo nên âm hưởng dày dặn, đầy khí chất, rất phù hợp để tôn vinh hình ảnh một vị lãnh tụ vĩ đại. Chính sự kết hợp hài hòa giữa ca từ và giai điệu đã giúp “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” nhanh chóng lan tỏa rộng rãi ngay từ khi mới ra đời.
![]() |
Bản nhạc “Biết ơn cụ Hồ Chí Minh” có chữ ký của Bác Hồ. (Ảnh: Tư liệu) |
Một điểm đặc biệt liên quan đến ca khúc này, vào năm 1951, chính nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã chủ động đề nghị nhà thơ Nguyễn Đình Thi chỉnh sửa phần lời ca, cho nội dung bài hát trở nên phù hợp hơn với phẩm chất khiêm tốn, giản dị và gần gũi với Nhân dân của Bác Hồ. Vì lẽ đó, ca khúc chúng ta nghe không còn mấy lời ca cũ mà thay vào đó là câu hát mới: “Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi” và “Hồ Chí Minh dắt dìu dân nước ta, vững bền tranh đấu cho đời chúng ta”. Cho đến nay, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” vẫn là một trong những ca khúc được nhắc tới nhiều nhất ở mảng đề tài viết về Bác Hồ. Không chỉ thế, bài hát còn được coi là Lãnh tụ ca, giống như bài “Tiến quân ca” của Văn Cao là Quốc ca, bài Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam của Đỗ Minh là Đảng ca.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954, bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bớt dần tính chất thánh ca như đã nói ở trên. Hai trong số những bài hát hay nhất ra đời trong thời kỳ này là “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của Nguyễn Tài Tuệ và “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của Trần Kiết Tường. Nếu như “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” diễn tả tình cảm của người dân Việt Bắc với Bác Hồ thông qua chất dân ca Tày, Nùng ở Cao Bằng. Thì “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” lại biểu hiện lòng biết ơn và tình nghĩa sâu nặng của đồng bào miền Nam dâng lên Người qua 6 lần so sánh bằng chữ “hơn” trong ca từ của điệu hò Đồng Tháp.
Không chỉ có nhiều bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, mà khi Bác đã qua đời và nhiều năm sau vẫn có rất nhiều bài hát hay về Bác. Ngày Bác đi xa, nỗi mất mát to lớn ấy đã để lại khoảng trống không gì có thể lấp đầy trong trái tim của cả dân tộc Việt Nam. Trong những ngày tháng tiếc thương, nhiều nhạc sĩ đã cất lên tiếng lòng qua những bản nhạc chan chứa tình cảm, như những dòng nước mắt hòa thành giai điệu tiễn đưa Người. Tiêu biểu trong số đó là ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” của nhạc sĩ Chu Minh với lời lẽ và âm điệu mang đậm chất bi thương, tưởng niệm.
Càng về sau, khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển, âm nhạc viết về Bác Hồ cũng dần đổi thay. Thay vì chỉ là những lời ca ngợi với sắc thái trang nghiêm như thánh ca, các nhạc sĩ đã bắt đầu thể hiện hình ảnh Bác Hồ một cách gần gũi, đời thường hơn, như một người ông, người cha, người thầy dẫn đường. Âm nhạc lúc này thiên về việc khơi gợi cảm xúc tự hào, nhắc nhở các thế hệ thực hiện lời dạy của Bác Hồ, sống và cống hiến xứng đáng với niềm tin mà Người để lại.
Sau 80 năm kể từ bài hát đầu tiên, nền âm nhạc Việt Nam đã chứng kiến sự ra đời của vô vàn tác phẩm hay, ấn tượng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng, dường như chừng ấy vẫn chưa đủ. Cho đến hôm nay, hình ảnh Bác Hồ vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận, tiếp tục khơi gợi cảm xúc sáng tác của nhiều thế hệ nhạc sĩ, bao gồm cả nhạc sĩ trẻ mỗi khi họ lắng lòng tưởng nhớ về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.