Chủ tịch nước đánh giá cao lập trường của Nhật Bản về Biển Đông

(PLVN) - Sáng nay (12/9), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo đang có chuyến thăm Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam từ ngày 10-12/9 theo lời mời của Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Trước đó, chiều 11/9, Lễ đón chính thức Bộ trưởng Kishi Nobuo và đoàn Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã diễn ra tại trụ sở Bộ Quốc phòng dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phan Văn Giang. Sau lễ đón, Bộ trưởng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Kishi Nobuo đã tiến hành hội đàm.

Hoan nghênh Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản chọn Việt Nam là quốc gia tới thăm đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng chọn Việt Nam là nước thăm đầu tiên sau khi nhậm chức, thể hiện Nhật Bản hết sức coi trọng mối quan hệ sâu sắc với Việt Nam.

Chủ tịch nước tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo.

Chủ tịch nước tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo.

Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực của hai Bộ Quốc phòng hai nước trong việc tổ chức hoạt động giao lưu cấp cao trong bối cảnh đại dịch. Đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Kishi Nobuo và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết quả này góp phần làm sâu sắc quan hệ hai nước, phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản, qua đó đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của mỗi nước, khu vực và thế giới.

Vui mừng nhận thấy dù hai năm qua đại dịch COVID-19, nhưng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn được duy trì, tăng cường, Chủ tịch nước cho biết, Nhật Bản tiếp tục duy trì là nước đứng vị trí thứ thứ hai về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với 65 tỷ USD. Kết thúc năm 2020, kim ngạch thương mại hai nước đạt 40 tỷ USD.

Về hợp tác phòng, chống COVID-19, Chủ tịch nước đánh giá cao Nhật Bản đã hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có Việt Nam, đồng thời cảm ơn Chính phủ Nhật đã hỗ trợ Việt Nam hơn 3 triệu liều vaccine phòng COVID-19, viện trợ không hoàn lại dây chuyền bảo quản lạnh vaccine trị giá 200 triệu Yên. Thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ vaccine, cũng như giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn vaccine khác; hỗ trợ Việt Nam sản xuất vaccin và trang thiết bị y tế.

Hoan nghênh và ủng hộ Nhật Bản đã có nhiều đóng góp tích cực trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng thời đánh giá cao lập trường của Nhật Bản về đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công nước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ đánh giá cao Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều đóng góp thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian qua trên mọi cương vị đảm nhiệm, đồng thời khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Nhật Bản ở khu vực. Về phòng, chống COVID-19, Bộ trưởng Kishi Nobuo nhấn mạnh, Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để kiểm soát dịch bệnh và sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản.

Tiếp ngài Kishi Nobuo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và khẳng định sẽ tạo điều kiện để quan hệ hợp tác quốc phòng song phương tiếp tục phát triển thiết thực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo…; khẳng định tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững và lâu dài, vì thịnh vượng và phát triển của mỗi nước, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam coi Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, có độ tin cậy cao trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh những đóng góp tích cực của Nhật Bản và ủng hộ Nhật Bản ngày càng có vai trò lớn hơn trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới… Qua ngài Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi tới Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.

Cũng tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực. Về vấn đề trên biển, trong đó có Biển Đông, Biển Hoa Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quan điểm của Việt Nam là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng các biện pháp hòa bình qua các tiến trình ngoại giao trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nước.

Về các vấn đề khu vực khác, Việt Nam ủng hộ tiến trình hoà bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nghiêm túc thực hiện các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Phía Nhật Bản khẳng định ủng hộ các nỗ lực của ASEAN về vấn đề Myanmar, trong đó có việc triển khai thực hiện Đồng thuận 5 điểm đã được Lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua nhằm chấm dứt bạo lực, mang lại hòa bình, ổn định và cuộc sống an toàn cho người dân.

Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục dành các dự án ODA mới, ưu tiên cho phát triển hạ tầng chiến lược; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, xanh, sạch; tăng cường hợp tác chuyển đổi số; thúc đẩy sớm mở cửa thị trường tiêu thụ thuận lợi cho nông thủy sản của Việt Nam và một số nông sản của Nhật Bản. Việt Nam sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi và sẵn sàng đồng hành, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật.

Đọc thêm