Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

(PLVN) - Ngày 19/1, UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,5 km, bề rộng nền đường 17m, mặt đường 16m, gồm 4 làn xe. Toàn tuyến có 53 cầu, trong đó có 39 cầu trên tuyến chính, 14 cầu vượt và cầu trên tuyến nối. Tổng mức đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 2.100 tỷ đồng, vốn của nhà đầu tư, vốn tín dụng hơn 10.400 tỷ đồng.

Đến nay, dự án đã hoàn thành tuyến chính, cơ bản hoàn thành các tuyến nối. Doanh nghiệp dự án sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan có liên quan kiểm soát các vấn đề an ninh trật tự trong quá trình tổ chức phục vụ phương tiện lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 25/1 đến ngày 10/2/2022), bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giao thương kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Suốt gần 10 năm đầu triển khai (2009 đến 2019), dự án đã 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành, chỉ đạt được 10% khối lượng.

Tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Tháng 4/2019, với sự nỗ lực vượt khó của hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân ngày đêm bám sát và miệt mài thi công công trình bằng tinh thần 3 “xuyên” là “xuyên đêm”, “xuyên lễ, tết”, “xuyên dịch”, Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành thông tuyến cao tốc trước ngày 31/12/2020, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ hơn 1 năm rưỡi sau ngày tái khởi động.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại lễ thông xe, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là công trình có ý nghĩa quan trọng, góp phần gỡ nút thắt về giao thông cho khu vực ĐBSCL. Với sự quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, tỉnh Tiền Giang, sự vào cuộc của các nhà khoa học, đơn vị thi công sớm đưa công trình vào sử dụng, góp phần thuận lợi phát triển khu vực này. Đây là công trình thắng lợi của ý chí, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của chủ đầu tư, đơn vị thi công; thắng lợi của doanh nghiệp Việt Nam tự cường vươn lên.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho tỉnh Tiền Giang.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho tỉnh Tiền Giang.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các đơn vị tư vấn, thiết kế, giám sát, các cố vấn, nhà khoa học; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang đã thường xuyên đôn đốc, xử lý các điểm nghẽn của dự án và sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các ngân hàng hợp vốn tín dụng cho dự án.

Chủ tịch nước cũng biểu dương nhân dân vùng dự án đã nhường đất đai phục vụ thi công công trình. Đặc biệt biểu dương Tập đoàn Đèo Cả đã điều hành, chỉ đạo quyết liệt, thi công ngày đêm để dự án đạt được mốc thông xe kỹ thuật.

Những chiếc xe đầu tiên chạy vào tuyến Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Những chiếc xe đầu tiên chạy vào tuyến Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Chủ tịch nước yêu cầu ngành GTVT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi công cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, sớm triển khai tuyến đường ven biển tại khu vực miền Tây Nam Bộ và một số tuyến đường khác.

Đồng thời lưu ý Bộ GTVT, bên cạnh đường bộ cần phát triển hàng không, đường sắt, đường thủy, hệ thống logistic trong thời gian tới. Từ đó cải thiện môi trường đầu tư, phát triển đô thị, khu công nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị nông sản, hàng hóa để người dân miền Tây Nam Bộ có đời sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Đọc thêm