Chủ tịch nước tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ có phong độ mới

(PLVN) - Tại phiên thảo luận tại Tổ của Quốc hội hôm qua (21/10), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ có một phong độ mới, đạt được mục tiêu Chính phủ đã báo cáo Quốc hội.
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.

Không thể mãi đóng cửa đất nước

Nội dung của phiên thảo luận gồm kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – NSNN ba năm 2022-2024.

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ nhất trí với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dù có khó khăn, tăng trưởng thấp, hụt thu ngân sách trung ương nhưng tổng thu NSNN vẫn tốt.

Một số quỹ được xuất ra để phục vụ cho công tác phòng chống dịch, an sinh xã hội. Chủ tịch nước khẳng định, qua đợt dịch COVID-19 cho thấy sự cố gắng lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; đặc biệt lực lượng tuyến đầu như quân đội, công an, nhất là y tế “xông pha trận mạc”.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch nước, tấm lòng của người dân, đóng góp của doanh nghiệp là vô cùng lớn nên cần biểu dương, trân trọng; dựa vào sức dân, dựa vào xã hội hóa để hỗ trợ cho công tác khám chữa bệnh.

Về dịch bệnh, Chủ tịch nước cho biết, phương thức phòng, chống dịch hiện nay đã không còn “Zero Covid” nữa mà phải thích ứng an toàn với COVID-19 bằng 5K + vaccine + thuốc điều trị. Dẫn thực tế nhiều nước trên thế giới vẫn thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng cho rằng, thời điểm này chưa thể bỏ toàn bộ Chỉ thị 15, 16, 19. Đề cập đến những ổ dịch mới xuất hiện ở các tỉnh Cà Mau, Nam Định, Phú Thọ…, Chủ tịch nước nhấn mạnh tinh thần tiếp tục đề cao cảnh giác, không chủ quan, “không được chuyển ngay từ cực này sang cực khác dẫn tới hậu quả”. Khẳng định quan điểm “không thể đóng cửa đất nước mãi”, Chủ tịch nước cho rằng chúng ta phải mở cửa để giải quyết việc làm, thu nhập và phát triển kinh tế.

Về vấn đề cải cách tiền lương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là thời điểm người dân đang khó khăn, nhiều công nhân, nông dân thiếu việc làm. Lúc này nếu công chức, viên chức mà tăng lương thì không có ý nghĩa về chính trị. Do đó, Chủ tịch nước tán thành việc chưa nâng lương đợt này để phù hợp lòng dân. Tuy nhiên, việc lùi thời điểm nâng lương không thể kéo dài mãi. Do đó, Chủ tịch nước đề nghị, nếu đợt này chưa nâng lương được cho toàn bộ cán bộ, công chức, phải có chính sách hỗ trợ, tăng lương cho người về hưu trước năm 1995 vì họ là những người đang hưởng lương quá thấp, đời sống rất khó khăn. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực tốt hơn để tính toán năm sau sẽ báo cáo Trung ương, Quốc hội về việc cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức.

Đánh giá tình hình KT-XH nhìn chung có những khó khăn nhất định nhưng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định, thời gian qua, khi dần mở cửa một bước, không khí làm ăn của các doanh nghiệp cả nước rất tốt. Bên cạnh một số địa phương duy trì tốt như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc…, một số địa phương cũng đã vươn lên mạnh mẽ như các tỉnh Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đã có chương trình tái thiết kinh tế thành phố, bước đầu nhiều người lao động quay lại làm việc. Theo Chủ tịch nước, đây là cơ sở để có niềm tin đất nước phát triển sau đại dịch. “Tôi tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới, sẽ đạt được mục tiêu Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, phấn đấu tăng GDP đến 6,5%”, Chủ tịch nước bày tỏ.

Việt Nam là địa chỉ rất tốt để đầu tư

Thông tin về kinh nghiệm quốc tế, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, đến nay, các nước nhìn chung đã chuyển sang chiến lược vừa phòng chống dịch vừa thích ứng. Tại Việt Nam, Trung ương vừa qua đã quyết định chuyển sang tư duy thích ứng an toàn, vừa kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19 vừa nỗ lực khôi phục các hoạt động KT-XH. “Đây là quyết định kịp thời, đúng đắn để chuyển trạng thái chống dịch”, đại biểu khẳng định.

Về chương trình tổng thể về phục hồi, phát triển kinh tế, theo ông Sơn, chương trình phải tiếp cận theo cả hai hướng là cung và cầu của nền kinh tế. “Kinh nghiệm các nước cho thấy phải có giải pháp tài khóa kích thích tổng cầu vì sau đại dịch đời sống người dân rất khó khăn, tổng cầu giảm. Do đó, tới đây phải có các biện pháp để kích thích tổng cầu”, ông nói.

Ngoài ra, việc duy trì được số người lao động ở thành phố sau đợt dịch để tiếp tục duy trì sản xuất, tránh đứt gãy là rất quan trọng. Bộ trưởng Ngoại giao thông tin, khi gặp gỡ với ông, các doanh nghiệp FDI như Nike, Adidas hay các hãng sản xuất lớn về điện tử như Foxconn đều lo ngại về tình trạng người lao động bỏ về quê nên họ gặp khó khi muốn khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

Qua tham khảo, các tập đoàn lớn của châu Âu, Nhật Bản… vẫn tiếp tục coi Việt Nam là địa chỉ rất tốt để đầu tư, để chuyển chuỗi ung ứng sang Việt Nam. “Một số ý kiến vừa qua cho rằng Việt Nam trong làn sóng dịch bệnh thứ 4 khó khăn nên doanh nghiệp muốn chuyển chuỗi sản xuất là không đúng. Ví dụ, tại các cuộc gặp với Adidas hay Apple, các doanh nghiệp đều nói rằng trong điều kiện Việt Nam đóng cửa một thời gian tương đối dài, hơn hai tháng như vậy thì các đơn đặt hàng của họ không đảm bảo được nên họ phải chuyển các đơn đặt hàng sang nơi khác.

Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất của họ đang tiếp tục phục hồi và tiếp tục mở rộng. Như Apple, Foxconn muốn mở rộng sản xuất tiếp. Intel cũng vậy. Toàn những tập đoàn công nghệ cao”, Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định.

Theo ông, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam vì họ thấy tiềm năng lớn, Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại tự do, với thị trường rộng mở. “Như vậy, chúng tôi cho rằng tiềm năng của chúng ta còn rất lớn, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, thu hút đầu tư, nhất là công nghệ cao”, ông nói. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định, trong khó khăn, hình ảnh uy tín của Việt Nam vẫn được giữ rất tốt.

Đọc thêm