Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch nước cho biết, để có hội nghị lần này, suốt 1 năm qua, các bộ trưởng, học giả đã tiến hành hơn 240 cuộc họp thảo luận nghiêm túc, thống nhất các biện pháp thúc đẩy đối thoại hợp tác và liên kết APEC.
Chủ tịch nước vui mừng thông báo kết quả Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, trọng tâm của ngày làm việc cuối cùng của Tuần lễ cấp cao APEC, diễn ra sáng cùng ngày. Chủ tịch nước khẳng định Hội nghị đã kết thúc tốt đẹp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Hội nghị kết thúc tốt đẹp |
Sau 20 năm là thành viên của APEC, Việt Nam vinh dự một lần nữa tổ chức hội nghị quan trọng nhất trong năm của diễn đàn này.
Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Hội nghị đã bàn thảo về chính sách, chiến lược nhằm phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa theo hướng xanh, bền vững và sáng tạo, tăng cường an ninh lương thực nước, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, phát triển du lịch bền vững... Hội nghị tái khẳng định cam kết thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hoá thương mại và đầu tư.
Chủ tịch nước thông tin, trong sáng cùng ngày, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 đã bế mạc, thông qua Tuyên bố Đà Nẵng. Đây là kết quả quan trọng nhất của Tuần lễ cấp cao APEC cũng như Năm APEC 2017. Cũng tại lễ bế mạc, nước chủ nhà Năm APEC 2017 Việt Nam đã tiến hành chuyển giao vai trò Chủ tịch năm APEC 2018 cho Papua New Guinea
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng hoan nghênh việc thành lập nhóm Tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ các quan chức cấp cao trong việc xác định hướng đi và tương lai sau năm 2020, để APEC trở thành “một diễn đàn tự cường, có năng lực xử lý các thách thức toàn cầu và thích nghi với thế giới đang có nhiều thay đổi”.
Chủ tịch nước nhấn mạnh quyết định này thể hiện quyết tâm của các nền kinh tế thành viên trong việc hướng tới xây dựng cộng đồng APEC ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng, trong đó người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm.
Tuần lễ cấp cao APEC tại Việt Nam cũng lần đầu tiên diễn ra Đối thoại không chính thức với các nhà lãnh đạo ASEAN, trong đó lãnh đạo thành viên các nền kinh tế APEC và lãnh đạo 10 nước ASEAN cùng bàn về chủ đề tìm động lực mới, vì một ASEAN kết nối toàn diện.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang điểm lại, trong thời gian diễn ra APEC, Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam nói riêng đã đón khoảng 10.000 đại biểu, lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp khu vực và thế giới, các tổ chức quốc tế, cùng 3.000 phóng viê trong và ngoài nước.
Tham dự hội nghị có các nhà lãnh đạo và trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên APEC. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng tham dự với tư cách khách mời của hội nghị. Sau hội nghị với hai phiên họp kín, các nhà lãnh đạo tham gia chụp ảnh truyền thống trong trang phục làm việc, thay vì trang phục APEC 2017 của chủ nhà Việt Nam như truyền thống.
Kết thúc tuần lễ APEC, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã lần lượt rời Đà Nẵng. Riêng tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Hà Nội trong chiều nay để bắt đầu chuyến thăm chính thức cấp nhà nước.
Sáng 11/11, bộ trưởng 21 nền kinh tế thành viên APEC công bố Tuyên bố chung, vốn được đưa ra sau Hội nghị Liên bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) ngày 8/11.
Tuyên bố chung AMM thông tin chi tiết các hành động hợp tác sẽ được các nền kinh tế APEC tiến hành trong năm tới để giữ vững sức mạnh của hợp tác kinh tế khu vực và củng cố hình ảnh của APEC như động lực cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với các mục tiêu trọng tâm như thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.