Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Bản lĩnh và quyết tâm phòng chống tội phạm

Toàn ngành KSND đã kiểm sát gần hơn 83.000 vụ án theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm, do đó chất lượng kiểm sát xét xử đã được nâng cao, tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung chỉ còn 4,29%, hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan sai người vô tội.

"Công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp ở Trung ương được tăng cường, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp trong đó có các vụ án tham nhũng lớn được dư luận nhân dân đánh giá cao...". Đó là phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012 của ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức trong 2 ngày 8 - 9/1/2012.

thaqg
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Theo báo cáo của VKSNDTC, năm 2011, trước tình hình tội phạm tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp; tính chất tội phạp ngày càng nghiêm trọng, với nhiều hình thức và thủ đoạn mới gây hậu quả nghiêm trọng, ngành KSND đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong đó tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp, đẩy mạnh thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Năm 2011, toàn ngành KSND đã kiểm sát gần hơn 83.000 vụ án theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm, do đó chất lượng kiểm sát xét xử đã được nâng cao, tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung chỉ còn 4,29%, hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan sai người vô tội. Công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp ở Trung ương được tăng cường, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp trong đó có các vụ án tham nhũng lớn được dư luận nhân dân đánh giá cao...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch nước biểu dương ngành KSND năm qua đã có nhiều cố gắng, nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, thử thách và đạt những thành tích to lớn, có ý nghĩa quan trọng. Viện KSND các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong đó có nhiều vụ án lớn, phức tạp, được dư luận nhân dân quan tâm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Toàn ngành kiểm sát đã có nhiều cố gắng khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm; phê chuẩn việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam được tiến hành chặt chẽ, đúng pháp luật. Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Đề ra và thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại các phiên toà, bảo đảm tranh tụng dân chủ, công khai, tạo cơ sở để Toà án ra các bản án, quyết định có căn cứ, đúng pháp luật.

Ngành KSND đã đề cao trách nhiệm, chủ động thực hiện đồng thời các biện pháp để tăng chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp. Qua kiểm sát, đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, bảo đảm các hoạt động này tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

“Viện kiểm sát ngày càng nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo sự tin tưởng của Đảng, Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị đối với ngành Kiểm sát nhân dân..."

Về định hướng nhiệm vụ, trọng tâm công tác năm 2012 của ngành Kiểm sát nhân dân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ rõ: "Năm 2012 là năm thứ hai toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2011 – 2015) và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2011 – 2020).

Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp theo lộ trình của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Ngành kiểm sát cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tính nhân dân trong hoạt động kiểm sát, mỗi cán bộ kiểm sát phải là tấm gương về tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh và quyết tâm cao trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm nhằm phục vụ tích cực công cuộc đổi mới của đất nước.”

Q.Lưu

 

Đọc thêm