Tăng cường năng lực bảo vệ đất nước
Tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 của TP HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, nếu vinh dự được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu QH, ông sẽ tập trung vào 6 chương trình hành động gồm: “Tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, tập trung công sức, trí tuệ để góp phần đưa QH thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, hoàn thành tốt trọng trách mà nhân dân ủy thác”.
Chủ tịch nước cũng khẳng định: “Sẽ tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, tăng cường quốc phòng, an ninh đủ năng lực bảo vệ đất nước”. Đồng thời Chủ tịch nước hứa: “Trên cương vị của mình sẽ tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, tập trung xử lý các vụ án lớn, xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân”.
Cùng tiếp xúc cử tri với Chủ tịch nước, các ứng cử viên khác cũng đưa ra nhiều chương trình, hành động ý nghĩa nhằm kêu gọi sự ủng hộ của cử tri. Đáng chú ý trong đó có ứng cử viên - bác sĩ Trần Đông A đã hứa: “Góp phần tạo dựng một môi trường sống trong sạch trong điều kiện đất nước đang phát triển nhanh chóng và vấn đề vệ sinh thực phẩm đang bị ô nhiễm nặng nề”. Ông Trần Đông A khẳng định sẽ tiếp tục góp phần vào việc hình thành mô hình bác sĩ gia đình, một giải pháp căn cơ cho việc chống quá tải đang rất trầm trọng tại nhiều bệnh viện.
“Không để người thân làm ăn phi pháp, tham nhũng”
Với cam kết trên, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định trước cử tri tại Đơn vị bầu cử số 8 đã tổ chức buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) quyết tâm đóng góp“để chống tham nhũng, xây dựng xã hội minh bạch, công bằng”. Bí thư Hoàng Trung Hải cũng hứa “cố gắng nâng cao chất lượng QH, để QH là cơ quan quyền lực cao nhất, làm sao đặt lợi ích của người dân, của quốc gia lên trước. Làm sao để xây dựng quốc phòng vững mạnh, bảo vệ chủ quyền đất nước”. Với tư cách là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Mục tiêu tạo đột phá cho Hà Nội trong 5 năm tới, ưu tiên khâu phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế”.
Trình bày chương trình hành động của mình với cử tri huyện Phúc Thọ, ông Nguyễn Văn Được (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam) cho biết, nếu được làm đại biểu QH, ông sẽ thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến cử tri theo nhiều hình thức, tìm hiểu nguyện vọng mong muốn của cử tri, đưa tiếng nói của cử tri đến với QH.
“Tôi nhận thức sâu sắc công việc có thành công hay không phụ thuộc vào lòng dân, sức dân, do đó tin dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân để thực hiện mục tiêu cao cả là nâng cao cuộc sống của người dân” – ông Được chia sẻ.
Còn ông Trần Danh Lợi (Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội) cam kết sẽ góp phần hạn chế đầu tư công không cần thiết cho hạ tầng giao thông, góp phần tiết kiệm tiền thuế của dân, cùng cơ quan chức năng và đại biểu QH giám sát, quyết tâm cùng cơ quan kiến nghị, xử lý những tiêu cực làm chất lượng công trình không đảm bảo, dẫn tới lãng phí lớn.
Thường xuyên lắng nghe ý kiến nhân dân
Gặp gỡ, tiếp xúc cử tri thuộc hai xã Vĩnh Hòa Hiệp và Vĩnh Hòa Phú – huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cùng các ứng cử viên ứng cử đại biểu QH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã nêu 4 nội dung trong chương trình hành động nếu được cử tri ủng hộ, bầu làm đại biểu QH gồm: Trong hoạt động QH, đối với hoạt động xây dựng pháp luật, Bộ trưởng sẽ tham gia, kiến nghị và tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng các luật được ban hành sớm hơn, sát với tình hình thực tế; chú trọng liên quan đến các vấn đề trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; luật cần dễ hiểu, thủ tục đơn giản...
Với trách nhiệm của đại biểu QH trước cử tri: “Tôi sẽ thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của cử tri và nắm bắt thông tin để kịp thời phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền. Đối với những việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm quản lý của Bộ, ngành Tư pháp thì chủ động giải quyết kịp thời, đúng pháp luật”. Bộ trưởng Lê Thành Long cũng chia sẻ những khó khăn của cử tri liên quan đến tình hình xâm nhập mặn, khô hạn; liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp; tình hình biển đảo và quan điểm đấu tranh của Việt Nam; những tồn tại khách quan và chủ quan trong việc ban hành văn bản dưới luật.
Nhiều cử tri tham dự hội nghị đánh giá cao năng lực và thế mạnh của các ứng cử viên. Cử tri Nguyễn Minh Hoanh nhận xét: “Tất cả các ứng cử viên đều xứng đáng là người đại diện cho dân và mỗi cử tri đều có thế mạnh của mình. Đặc biệt, tôi đánh giá cao ứng cử viên Lê Thành Long – Bộ trưởng Bộ Tư pháp là người có kiến thức, kinh nghiệm, đồng thời là thành viên của Chính phủ sẽ có nhiều tiếng nói giúp dân tại diễn đàn QH”.
Tránh hiện tượng vận động ứng cử bằng vật chất
Đó là thông tin do bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND - Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử TP Hà Nội đưa ra khi các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và ứng cử viên đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XV nhiệm kỳ 2016-2021 đang thực hiện hoạt động vận động ứng cử.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tổ chức cho ứng cử viên tiếp xúc cử tri tại nơi ứng cử là việc làm quan trọng để ứng cử viên vận động bầu cử theo quy định của luật. Sau đó, sẽ tổ chức mạn đàm về tiểu sử, quá trình công tác của các ứng cử viên, cơ cấu… ở khu dân phố, đơn vị bầu cử để cử tri nắm được thông tin cần thiết trước khi bỏ phiếu. “Các cử tri cũng lưu ý nắm chắc thông tin về ứng cử viên, tránh hiện tượng “mang vật chất đến để vận động” như trước đây” - Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử TP nói.
Đặc biệt để chống “bầu hộ, bầu thay” trong cuộc bầu cử, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh đến vai trò của hoạt động khâu tuyên truyền, mạn đàm từ cơ sở để người dân thấy được trách nhiệm và niềm tự hào của mình khi đi bỏ phiếu xây dựng bộ máy chính quyền. Theo bà, nếu bỏ đi quyền ấy thì cử tri sẽ là người thiệt thòi…”. Đồng thời, phải tuyên truyền để các tổ chức đoàn thể, tổ chức bầu cử ở các cấp phải làm tốt việc giám sát, ngăn chặn hịên tượng này.