Quyết tâm giải cứu PVTEX
Theo Chủ tịch PVN, sau một thời gian PVN cùng đối tác quyết liệt thực hiện các biện pháp giải cứu PVTEX, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã cho những kết quả bước đầu: Từ một nhà máy đắp chiếu, “chết” lâm sàng, nay đã hoạt động trở lại với 12 dây chuyền sản xuất cả ngày đêm”. Chủ tịch PVN cho biết, cả PVN và đối tác Tập đoàn An Phát Holdings (APH) đã có nhiều nỗ lực trong việc khôi phục sản xuất Nhà máy sản xuất Xơ sợi polyester Đình Vũ, tạo niềm tin lớn cho bạn hàng trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, trong lúc quá trình giải cứu cứu PVTEX đang diễn ra thuận lợi thì xuất hiện những thông tin xấu, làm ảnh hưởng đến quá trình giải cứu. “Điều này tạo ra nguy cơ làm đổ vỡ cả dự án, bao nhiêu công sức và tiền bạc có thể trôi xuống sông, xuống biển”, Chủ tịch PVN, ông Trần Sỹ Thanh nói và khẳng định quyết tâm của PVN sẽ tiếp tục những giải pháp để nhà máy vận hành, không để bao công lao “đổ xuống sông, xuống biển”. “Nếu không giải cứu, Nhà nước nguy cơ mất rất nhiều tài sản”, ông Thanh lo lắng.
Chủ tịch PVN cũng khẳng định, việc giải cứu PVTEX trong thời gian qua là phù hợp, đúng pháp luật, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, nên “không có cớ gì giờ nhà máy hồi sinh rồi mà lại rút vòi ra để cho “chết” cả”- theo lời ông Thanh. Đồng thời bày tỏ mong muốn các cổ đông, đối tác, người lao động tiếp tục giữ vững tinh thần, vượt qua khó khăn, giải cứu thành công PVTEX, hoàn thành trách nhiệm với nhân dân và đất nước.
Thông tin từ Tổng Giám đốc PVTEX, ông Đào Văn Ngọc cho biết, đối tác An Phát đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để cùng PVN giải cứu PVTEX. Sau khi được đầu tư, từ 20/4/2018 - 31/10/2018, tổng sản lượng của nhà máy đạt 1.437,71 tấn sợi các loại; đến ngày 14/6/2019 tổng lượng sản phẩm bán ra là 1.318 tấn. Đến ngày 7/6/2019, PVTEX đã sản xuất được 4.410 tấn sợi DTY, doanh thu đạt gần 200 tỷ đồng.
Điều đáng mừng, sản phẩm sợi DTY của PVTEX được thị trường chấp nhận, được tổ chức Oeko-Tex (Đức) cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu. Nhờ vậy, sản phẩm của PVTex đã xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan…
Thị trường thuận lợi
Phân tích về thuận lợi của PVTEX trong thời gian tới, Tổng Giám đốc PVTEX cho biết, khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua các hiệp như CPTPP, EVFTA và cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo điều kiện tốt cho phát triển các ngành, trong đó có dệt may, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xơ sợi trong nước sẽ tăng dần. Hiện nhu cầu cả nước đã vào khoảng 700.000 - 800.000 tấn xơ sợi trong khi năng lực sản xuất trong nước mới chỉ có PVTEX công suất 175.000 tấn và Formosa cung cấp khoảng 145.000 tấn/năm.
Đi đôi với thuận lợi, Tổng Giám đốc PVTEX cho rằng thị trường của PVTEX cũng đang gặp không ít khó khăn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đơn cử như hàng hoá Trung Quốc, trong đó có sản phẩm xơ sợi gặp khó khăn khi tiêu thụ vào Mỹ sẽ quay ra xuất khẩu ồ ạt vào các thị trường lân cận, đặc biệt là Việt Nam.. Ngoài ra, hàng may mặc của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ có nguy cơ bị Chính phủ Mỹ áp thuế bổ sung nếu Chính phủ Mỹ cho rằng Việt Nam chỉ là cánh tay nối dài của Trung Quốc…
Trao đổi với PLVN, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc PVN cho biết, để PVTEX phát triển bền vững, đơn vị này cần tiếp tục được đầu tư vốn lưu động để gia tăng sản xuất, nâng cao thương hiệu trên thị trường. Trước việc thị trường xơ sợi, dệt may có nhiều yếu tố bất lợi, cạnh tranh thiếu lành mạnh, Tổng Giám đốc PVN mong muốn Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan có biện pháp chống bán phá giá để các doanh nghiệp chân chính được cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.