Chủ tịch Quốc hội 'quét sáng' vào 'góc nhạy cảm'

(PLO) - Lập hội là quyền hiến định, đương nhiên rồi,  nhưng sao cứ xếp nó vào vấn đề “nhạy cảm” mà mãi không luật hóa được cái quyền hiến định đó? Giờ thì Quốc hội đã đưa dự thảo Luật về Hội ra bàn thảo, hóa ra vấn đề bị “nhạy cảm hóa” này là do “lợi ích nhóm” của các cán bộ sau khi đã 'hạ cánh' an toàn.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Một cách không tránh né, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã rất thẳng thắn đưa ra một hiện trạng mà do “nhạy cảm”, ít người dám đề cập: Thứ trưởng về hưu là lập hội này, hội khác, xin nhà, xin xe và thậm chí xin cả biên chế! Thì ra, hội là cái sân sau của các cụ, tiếng là về vườn nhưng thực tế các cụ về hội, không phải là các loại hội có sẵn, đang chờ những người về hưu như Hội Người cao tuổi, Hội làm vườn, Hội chơi chim... mà đây là các loại hội do các cụ sáng lập ra để tiếp tục cuộc đời lãnh đạo, ở cái nơi đòi hỏi cống hiến nhiều hơn hưởng thụ, quả là tâm huyết với đất nước, cống hiến với xã hội không đâu bằng các vị cán bộ này!

Nhận xét của Chủ tịch Quốc hội như luồng sáng quét vào dãy ghế của Chủ tịch đoàn các hội và hiện rõ lên ở đó những khuôn mặt già nua cố vị. Những cái hội này đã làm gì cho đất nước, hướng đạo gì cho lớp trẻ đang thất nghiệp và đem lại lợi ích gì cho xã hội đang đầy rẫy khó khăn? Khó mà tìm thấy hiệu quả trong câu trả lời bởi không ai nghiên cứu, điều tra, đánh giá về các hội này cả, chỉ có một kết quả duy nhất hiện lên là các hội, đoàn thể của chúng ta mỗi năm tiêu tốn của ngân sách 14.000 tỷ đồng mà thôi!

Không chỉ lo cho hậu duệ, các cụ lo trước cho “hậu sự” của chính mình. Vận dụng các mối quan hệ và kinh nghiệm của những năm công tác, việc lập hội của các cụ hẳn chẳng gặp khó khăn gì, đặc biệt là trong lúc Luật về Hội chưa có. Nhưng hẳn là không nhiều các cụ về hưu làm được việc này, bởi như Chủ tịch Quốc hội đã dẫn ra, chí ít thì cũng phải mang hàm thứ trưởng.

Song, công việc cho các cán bộ về hưu được “dấm” chỗ từ khi còn đang tại vị đã được chuẩn bị sẵn, có thể là một ghế ngồi tại Hội đồng quản trị của ngân hàng hay công ty sổ xố, hoặc có thể tiếp tục phát huy những kiến thức nghề nghiệp như làm luật sư, công chứng, cố vấn doanh nghiệp, kinh doanh địa ốc,... nhiều vị liên kết với nhau để mở cả một trường đại học hoặc ít ra cũng làm giám đốc một trung tâm định giá tài sản.

Vấn đề này được pháp luật điều chỉnh hẳn hoi, đúng quy định và đúng quy trình nhằm phát huy mọi nguồn nhân lực, kể cả già cả, hết tuổi làm việc nhưng vẫn được tự do cống hiến. Có lẽ một đất nước như Nhật Bản, nơi người già làm việc đến tận lúc không thể làm cũng thua chúng ta về điểm này!

Trở về với quyền lập hội, nhân dân hẳn rất mong có Luật về Hội, khẳng định những quyền tự do cơ bản của công dân và loại trừ được việc lập hội để xin tiền, xin xe, xin nhà, xin chức tước như hiện nay, thực trạng này rõ ràng đang tiềm ẩn bất công xã hội.

Đọc thêm