“Hành chính hóa” làm mất động lực thành lập hội
Chỉ 10 năm trở lại đây, số lượng hội tăng trung bình gấp 2 lần so với 30 năm trước. “Đây thực sự là “nguồn lực xã hội” cần được huy động có hiệu quả vào tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo quan điểm, nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực nhà nước” – ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận xét.
Đánh giá những đóng góp tích cực của hội hiện nay nhưng ông Thang Văn Phúc cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong hoạt động của hội như chưa phát huy đầy đủ chức năng, vai trò, bị “hành chính hóa”, hạn chế khả năng thu hút quần chúng. Chưa thực hiện nghiêm 3 nguyên tắc tổ chức hoạt động tự nguyện, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm. Ước tính vào thời điểm cuối năm 2015 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn thể dao động 45.600 - 68.100 tỷ đồng/năm (tương đương 1-1,7% GDP).
Cùng với đó, tổ chức hội có tính áp đặt hệ thống từ cấp trên TƯ, không thực sự xuất phát từ nhu cầu của quần chúng và điều kiện địa phương, thiếu tính độc lập của các hội, tổ chức phi chính phủ (TCPCP). Các cơ chế pháp lý quy định việc tư vấn, phản biện, giám sát của các hội, các TCPCP chậm được quy định nên hiệu quả trên các lĩnh vực này còn bị hạn chế.
Những bất cập này được hy vọng dự thảo luật về hội sẽ giải quyết nhưng LS.TS.Hoàng Ngọc Giao - Viện Chính sách, pháp luật và phát triển, đánh giá, dự thảo “chưa tạo điều kiện cho hoạt động của hội do nhân dân thành lập”. Dẫn quy định về điều kiện, thủ tục thành lập hội trong dự thảo, LS.Hoàng Ngọc Giao nhận thấy, các quy định này hạn chế quyền lập hội của nhân dân vì phải chờ cơ quan nhà nước “công nhận điều lệ thành lập hội và/hoặc người đại diện của hội”.
Với các nhà khoa học của VUSTA, cùng với quy định này, nhiều quy định khác của dự thảo còn khiến việc quản lý hoạt động hội bị “hành chính hóa” song lại “bỏ ngỏ” vấn đề giám sát, phản biện xã hội của các hội, các tổ chức xã hội. Phân tích sâu hơn, LS. Hoàng Ngọc Giao cho rằng, quyền lập hội của nhân dân bị hạn chế đáng kể với các quy định trong dự thảo áp đặt mô hình tổ chức và hoạt động hội theo kiểu “một doanh nghiệp cổ phần”, gây ra khó khăn, rườm rà và làm mất động lực thành lập hội của nhân dân.
Làm “ra ngô, ra khoai” để các hội được chính danh
Trong bối cảnh chuyển đổi đầy đủ sang nền kinh tế thị trường và xu hướng phát triển của các tổ chức xã hội, GS.Nghiêm Vi Khải – nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Thủ tướng cho rằng, dù chưa có luật về hội nhưng các hội, các TCPCP vẫn thành lập và hoạt động bình thường nhưng “không chính danh”. Do đó, nhiều nhà khoa học của VUSTA kiến nghị phải sớm hoàn thiện luật về hội, trong đó phải làm “ra ngô, ra khoai” ngay cả những khái niệm liên quan để các tổ chức xã hội có thể chính danh hoạt động trong khung pháp lý.
Với mong muốn này, có ý kiến đề nghị chưa trình dự thảo luật về hội ra Quốc hội vì còn có nhiều vấn đề cần giải quyết thấu đáo. Đặc biệt, các chuyên gia lưu ý, việc quản lý hội “không phải cho các tổ chức vào một cái hộp (luật) và chỉ cựa quậy trong đó, mà là xây dựng khung pháp lý để bảo đảm quyền tự do lập hội của người dân”. Vì thế, GS Nghiêm Vi Khải đề xuất, trong hoạt động hội, “nên quản lý hội ở “đầu ra” chứ không phải “đầu vào” mới phù hợp với thực tiễn”.
Ngoài ra, cần tăng cường nhận thức của xã hội về tổ chức xã hội để tạo điều kiện cho các hội, tổ chức xã hội có thể hoạt động hiệu quả. Qua khảo sát 20 doanh nghiệp (DN) cho thấy, trung bình DN bỏ ra 500 triệu/năm cho hoạt động từ thiện, nhất là các DN trên địa bàn TP HCM. Nhưng DN thường trực tiếp tổ chức các hoạt động từ thiện chứ không thông qua các tổ chức xã hội vì không biết hoặc ngại thủ tục phức tạp… Ông Hàn Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp cho rằng: “Điều đó cho thấy có khoảng trống lớn về nhận thức của DN với các tổ chức xã hội chứ không phải do thiếu hụt chính sách”.
Hiện cả nước có 500 hội, TCPCP có phạm vi toàn quốc, hơn 4.000 hội, TCPCP có phạm vi cấp tỉnh và hàng vạn hội, TCPCP ở phạm vi huyện, xã và rất đa dạng về hình thức, tính chất của hội và TCPCP.
Ngoài 06 tổ chức chính trị xã hội không thuộc đối tượng áp dụng của luật về hội, còn 8.792 hội có tính chất đặc thù được Nhà nước đảm bảo về nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất.