Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn Hỏa tốc gửi Sở Nội Vụ, Sở GD&ĐT và Sở Tài Chính. Cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Tài chính và các ngành, đơn vị liên quan, đánh giá thực trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên hành chính (bao gồm cả biên chế và lao động hợp đồng) đối với từng cấp học.
Sau khi đánh giá thực trạng, cần làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân của từng đơn vị, địa phương có liên quan đến việc tuyển dụng và hợp đồng lao động trái quy định.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên dôi dư, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả (bao gồm cơ chế chính sách nếu cần thiết), báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chậm nhất vào ngày 10/7/2016.
Trước đó, báo Pháp luật Việt Nam đưa tin, nhằm thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) thống nhất không ký lại hợp đồng lao động với các trường hợp đã hết hạn hợp đồng đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện cho đến khi có chủ trương chính sách mới của tỉnh. Quyết định này khiến 376 giáo viên trên địa bàn nguy cơ thất nghiệp.