Chủ tịch tỉnh trẻ nhất nước tháo gỡ khó khăn cho DN

(PLO) - Ngày 13/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức buổi gặp mặt, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với 200 doanh nghiệp (DN) tiêu biểu, đại diện cho hơn 5.000DN trên toàn tỉnh. Tại buổi gặp mặt, đối thoại nhiều câu hỏi “nóng” đã được đại diện các DN trao đổi thẳng thắn với vị Chủ tịch tỉnh trẻ nhất nước.
Ông Đặng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh
Ông Đặng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn

Chủ trì buổi đối thoại là ông Đặng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cùng 200 DN tiêu biểu, đại diện cho hơn 5.000 DN trong toàn tỉnh.

Theo đó, 7 tháng đầu năm, Hà Tĩnh có 520 DN thành lập mới, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2015. Cơ cấu ngành nghề chuyển biến tích cực, DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 183% về số lượng, 522 % vốn đăng ký, tỷ trọng DN xây dựng trong ngành công nghiệp - xây dựng giảm 19%. Sau 1 năm thi hành Luật DN, tỉnh đã có 902 DN  thành lập mới, tăng 39% so với cùng kỳ.

7 tháng đầu năm có 72 DN làm thủ tục giải thể, 82  DN tạm dừng hoạt động. Tỷ lệ DN có lãi giảm qua các năm, thu ngân sách từ DN thấp so với kế hoạch, thị trường bất động sản phục hồi chậm, tồn kho khoáng sản lớn, hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch, hải sản bị ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường biển.

Tại buổi gặp mặt, các DN đã đối thoại với UBND tỉnh về các khó khăn, vướng mắc của DN như: Chính sách thuế, nguồn vốn, thủ tục hành chính, giá thuê đất, du lịch biển sau sự cố môi trường... Phía UBND tỉnh đã ghi nhận những thành tựu mà DN đã đạt được, lắng nghe những khó khăn, hạn chế còn tồn tại, đưa ra những chính sách và giải quyết những hạn chế nhằm tạo tiếng nói đồng bộ giữa lãnh đạo tỉnh và DN, giải khó cho DN.

Chủ tịch Đặng Quốc Khánh trao đổi thẳng thắn với các DN về các  vấn đề nóng như tài nguyên - môi trường, giao thông vận tải... Với những yêu cầu của DN, ông Khánh cho biết, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện cho DN hoạt động, tháo gỡ mọi khó khăn cho DN nhưng yêu cầu của DN phải dựa trên quy định pháp luật của Nhà nước.

“Khi nào có thể tắm biển, ăn hải sản…”!?

Đối với ngành nghề kinh doanh du lịch, hiện nay sau sự cố môi trường, các ngành nghề du lịch ở Hà Tĩnh đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dịch vụ nhà hàng, khách sạn ế ẩm, số lượng khách du lịch và nguồn thu so với năm ngoái chỉ đạt từ 10 – 15%. Các DN cũng yêu cầu tỉnh có các biện pháp tháo gỡ khó khăn bằng cách đưa các sự kiện lớn, các cuộc hội thảo về với với du lịch biển, có mức đền bù xứng đáng cho DN để giải quyết khó khăn hiện tại…

Đại diện Khách sạn Thiên Ý (bãi biển Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên) đối thoại với Chủ tịch tỉnh đã đặt câu hỏi: “Khi nào thì người dân, khách du lịch có thể tắm biển Thiên Cầm? Khi nào thì được ăn hải sản? DN cần có câu trả lời cụ thể để có kế hoạch phát triển, nếu như sự cố môi trường ảnh hưởng lâu dài thì DN cần phải biết để cho lao động nghỉ việc và chuyển đổi sang ngành nghề khác…”.

Lắng nghe phản ánh của đại diện các DN, ông Đặng Quốc Khánh đã ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các DN. Chủ tịch tỉnh đã giao các sở, ban, ngành rà soát lại xem thực trạng và có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời đề nghị các sở, ban, ngành như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải… khi có kiến nghị liên quan đến các đơn vị thì phải trả lời đầy đủ để DN hiểu rõ hơn.

“Cái gì khó nói thì các đồng chí (DN) nhắn tin cho tôi. Sau đó chúng tôi cũng sẽ yêu cầu giải trình, cứ nhắn vào số 0913556643, tôi hứa với các đồng chí sẽ giữ bí mật để chúng ta thẳng thắn, thoải mái” – ông Khánh nhấn mạnh.

Ông Khánh cho biết thêm, trong thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh gặp sự cố môi trường từ việc Nhà máy Formosa xả thải ra biển, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, DN cần cố gắng phát huy sáng tạo sức mạnh, tập trung ổn định sản xuất kinh doanh  để tiếp tục phát triển, giúp tỉnh nhà vượt qua khó khăn.

Trong thời gian tới, Hà Tĩnh cần huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế,  trong đó tập trung vào các khu vực động lực, mũi nhọn. Tăng cường quảng bá đầu tư, mở rộng hợp tác kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tư duy quản lý nhà nước, xem DN là đối tượng phục vụ. xử lý nghiêm cán bộ công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, nhũng nhiều, gây phiền hà cho DN.

Để DN phát triển, bản thân các DN cũng phải chủ động tái cơ cấu, nỗ lực vươn lên trong thời kỳ hội nhập, có chiến lược kinh doanh dài hạn, chủ động liên kết để nâng quy mô, tầm hoạt động, kết nối các DN, tập đoàn để trở thành đối tác, tham gia phân khúc chuỗi giá trị khu vực công nghiệp, dịch vụ phụ trợ, là khu vực có tiềm năng phát triển lớn của tỉnh trong thời gian tới. P.Q

Hiện Hà Tĩnh có trên 5.000 DN, ngoài 5% vốn nhà nước 100%, 67 DN có vốn đầu tư nước ngoài,  còn lại là DN tư nhân, với số lượng trên 5.300 DN. Ngoài ra còn có 1.200 hợp tác xã, trên 5,8 vạn hộ kinh doanh.  Số hộ kinh doanh có đăng ký tăng nhanh, đạt gần 33 ngàn hộ, chiếm 81,5 % so với tổng số hộ kinh doanh ổn định.

DN đã giải quyết việc làm cho 88.500 lao động, tăng 1.500 lao động so với cuối năm 2015, nhất là các dự án đầu tư tại địa bàn Khu kinh tế, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cầu lao động địa phương. Thu nhập bình quân tháng của lao động tại DN nhà nước đạt 4,8 triệu đồng, DN FDI đạt 7,8 triệu đồng, DN tư nhân 4,2 triệu đồng. Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế cả nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trên địa bàn vẫn còn khó khăn. 

Đọc thêm