Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị các địa phương tạo điều kiện thông thương hàng hoá

(PLVN) - Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã xuất hiện việc các tỉnh, thành phố giáp ranh Hải Dương không cho xe hàng hoá của Hải Dương đi qua, kể cả việc sang tải tại các chốt giáp ranh, ngày 16/2, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ký văn bản đề nghị Bộ Công Thương và một số tỉnh, thành tạo điệu kiện thông thương hàng hoá cho Hải Dương.
Hải Dương hiện vẫn còn còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch.
Hải Dương hiện vẫn còn còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch.

Văn bản nêu rõ, tỉnh Hải Dương đã tiến hành thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 16/2 với thời gian 15 ngày nhằm phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp. Trong khi đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm…cơ bản đã cơ bản tổ chức triển khai sản xuất, kinh doanh. Do vậy, nhu cầu vận chuyển hàng hoá, tiêu thụ nông sản thực phẩm, nguyên vật liệu sản xuất, xuất, nhập khẩu hàng hoá trở lại hoạt động tăng nhiều sau kỳ nghỉ Tết.

Đối với nông sản, trên địa bàn tỉnh còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch. Sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành 55.902 tấn (80% bảo quản tại nông hộ, 20% chế biến tại tỉnh). Cà rốt là 26.766 tấn (90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa). Các loại khác như rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại là 8.100 tấn (30% xuất khẩu, 70% tiêu thụ nội địa). 

Lượng nông sản của Hải Dương vì vậy còn tương đối nhiều, tuy nhiên, đã xuất hiện việc các tỉnh, thành phố giáp ranh Hải Dương không cho xe hàng hoá của Hải Dương đi qua, kể cả việc sang tải tại các chốt giáp ranh.

Bởi vậy, để thực hiện hiệu quả và đúng nội dung Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ (trong đó có chỉ đạo: bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu sản xuất), Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái đã đề nghị Bộ Công Thương, UBND TP Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND các tỉnh, thành phố có cửa khẩu quan tâm, chỉ đạo các đơn vị có liên quan;

Các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tạo điều kiện, cho phép các phương tiện, người lái xe, người giao nhận hàng hoá của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương được ra, vào các địa phương. Điều kiện của các trường hợp ra vào là đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo quy định để lưu thông hàng hoá, kịp thời tiêu thụ và thông quan xuất khẩu theo đúng kế hoạch.

Được biết, trong những ngày Tết, một số doanh nghiệp, cơ sở tư nhân trên địa bàn xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) vẫn thu mua, sơ chế và tiêu thụ cà rốt. Tuy nhiên, hiện nay, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, nơi tập trung các nhà máy, cơ sở sơ chế đóng gói cà rốt của cả tỉnh.

Lượng nông sản của Hải Dương vẫn đang trong thời kỳ thu hoạch.
 Lượng nông sản của Hải Dương vẫn đang trong thời kỳ thu hoạch.

Để bảo đảm việc phòng dịch và vận chuyển nông sản được thuận lợi, trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cũng đã đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải và các Sở, ngành có liên quan chỉ đạo các bộ phận có liên quan tạo điều kiện để các xe vận chuyển nông sản được ra vào các địa phương được thuận lợi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương còn đề nghị cho phép máy cấy được ra vào các địa phương để cấy thuê cho nông dân theo hợp đồng đã ký và kịp thời vụ. Chỉ đạo hệ thống y tế ưu tiên lấy mẫu, xét nghiệm Covid-19 cho công nhân, người lao động và lái xe của các cơ sở sơ chế, đóng gói cà rốt trên địa bàn các xã: Đức Chính, Cẩm Văn (Cẩm Giàng) và Tiền Tiến (TP Hải Dương) và trả lời kết quả sớm để các DN, cơ sở có thể quay trở lại hoạt động ngay...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cũng đã đề nghị các ban, ngành tạo điều kiện để các xe vận chuyển nông sản được ra vào các địa phương được thuận lợi.
 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cũng đã đề nghị các ban, ngành tạo điều kiện để các xe vận chuyển nông sản được ra vào các địa phương được thuận lợi.

UBND cấp huyện, đặc biệt là những địa phương có diện tích cây vụ đông lớn như: Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh, Gia Lộc, Tứ Kỳ tích cực kết nối và động viên các doanh nghiệp thu mua, vận chuyển, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Kêu gọi các doanh nghiệp ngoài tỉnh tiếp tục hợp tác, tiêu thụ nông sản cho nông dân trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp để giảm thấp nhất thiệt hại cho nông dân trong tỉnh. Chỉ đạo chính quyền các xã kiểm soát chặt tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn để các lái xe ở tỉnh khác yên tâm vào thu mua và chở đi tiêu thụ…