Chủ tịch VCCI chia sẻ bí quyết giúp doanh nghiệp hội nhập

(PLO) - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, để hội nhập thành công, doanh nghiệp cần nắm chắc thông tin, có kế hoạch bài bản.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Sau khi kết thúc đàm phán, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có hiệu lực trong tương lai gần. Đây vừa là cơ hội để đất nước bứt phá nhưng cũng là những thách thức lớn đòi hỏi phải có chính sách đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Nhân ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về nội dung này.

PV: Thưa ông, Hiệp định TPP vừa kết thúc sau 5 năm đàm phán. Ngoài những cơ hội do Hiệp định mang lại, theo ông, doanh nghiệp trong nước sẽ đứng trước những  thách thức gì khi Hiệp định có hiệu lực?

Ông Vũ Tiến Lộc: TPP là cơ hội của thị trường khi mà hàng rào thuế quan giảm xuống còn 0% với hầu hết các mặt hàng. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội đó thì doanh nghiệp Việt Nam phải đạt được những điều kiện về tiêu chuẩn xuất xứ của hàng hóa và phải vượt qua được những rào cản kỹ thuật, cũng như là vấn đề về vệ sinh dịch tễ.

Cụ thể như ngành dệt may, giày dép, lắp ráp điện tử… phần lớn chúng ta đang phải nhập khẩu các nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc hay Hàn Quốc - đây là những nước không nằm trong TPP. Khi mà nguồn nhập khẩu chủ yếu của chúng ta từ thị trường các nước đó, chúng ta sẽ không đủ điều kiện để có thể hưởng ưu đãi thuế suất khi vào thị trường TPP.

Như vậy, việc giảm thuế suất, mở cửa thị trường cho dệt may, giày dép sẽ không có ý nghĩa nếu như chúng ta không đáp ứng được điều kiện về xuất xứ. Thứ 2, không chỉ có điều kiện về xuất xứ mà các rào cản về kỹ thuật đặc biệt là các yêu cầu về lao động, môi trường, vệ sinh dịch tễ, an toàn thực phẩm… nếu sản xuất của chúng ta không đủ chuyên nghiệp, không sử công nghệ hiện đại thì chúng ta không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật và khi đó chúng ta không thể khai thác được cơ hội thị trường của TPP.

PV: Đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào sân chơi thế giới, điều này đang đặt ra vấn đề cải cách về thể chế để phù hợp với những yêu cầu mới. Vậy thưa ông, chúng ta phải cải cách như thế nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển? 

Ông Vũ Tiến Lộc:  Hiện nay, cải cách thể chế của chúng ta rất nặng nề. Các doanh nghiệp trong nước đang phải chịu đựng một chi phí không giảm về tiền bạc và cao hơn các nước khác trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Chính điều đó sẽ tăng chi phí và tăng tính rủi ro và như vậy sẽ cản trở việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Cho nên cải cách thể chế trước hết là phải cải cách hành chính, làm sao chúng ta thực hiện được Nghị quyết 19 của Chính phủ, thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư để giảm tối đa thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp và giảm tối đa rủi ro bất định trong môi trường chính sách. Từ đó, để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đầu tư lâu dài và có thể giảm được chi phí. Có như vậy mới có thể cạnh tranh được.

Bên cạnh yêu cầu về đổi mới chung, đặc biệt là cải cách hành chính thì cần một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để các doanh nghiệp vượt qua được những khó khăn, liên kết và hội nhập thành công, hỗ trợ về thông tin, tư vấn, tiếp cận tín dụng, tiếp cận công nghệ, kết nối...Cùng với đó là vai trò vô cùng quan trọng của các Hiệp hội nghành nghề. Các Hiệp hội phải trở thành một trung tâm kết nối các doanh nghiệp với nhau và kết nối được với các chuỗi giá trị toàn cầu.

PV: Để tận dụng tối đa những lợi thế từ hội nhập, với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông có lời khuyên gì đến cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?

Ông Vũ Tiến Lộc: Các doanh nghiệp phải học tập, tìm hiểu, phải nắm bắt được những thông tin về hội nhập, về thị trường, thông tin về pháp lý… để tự bảo vệ mình và vận dụng theo yêu cầu pháp luật của nước ta và quốc tế, làm theo thông lệ quốc tế. Trong quá trình tham gia thương mại quốc tế thì những việc như tranh chấp thương mại, các vụ kiện như bán phá giá sẽ xảy ra thường xuyên.

Do đó, các doanh nghiệp phải trang bị cho mình những kiến thức để có thể đương đầu được với tranh chấp thương mại đó. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  có Trung tâm WTO có thể hỗ trợ các thông tin cho doanh nghiệp và chúng tôi cũng có Hội đồng tư vấn về  thương mại, tập hợp những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tôi tin rằng, các Hiệp hội doanh nghiệp nếu gắn kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì hoàn toàn có thể có được những điều kiện về nguồn lực, kiến thức, phương tiện hỗ trợ trong việc phòng tránh, cũng như đương đầu và xử lý tốt các tranh chấp thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải củng cố nền tảng quản trị của mình, nâng cao năng lực kinh doanh. Phải nắm chắc những thông tin và phải có một kế hoạch hành động thiết thực, bài bản để có thể triển khai kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh hội nhập.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm