Đường sắt Việt Nam có một thời gian dài được nhắc tới với việc liệt kê vô vàn khó khăn và "bó buộc" thay vì những ý tưởng đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp vượt qua thực tế lúc đó. Nhưng gần đây, “bức tranh” ngành này đã dần thay đổi, trước tiên là từ góc nhìn qua ô cửa trên tàu.
Đường sắt Việt Nam đã chủ động “mềm hóa” những thanh ray, những khối đá hộc, những bậc ke ga bằng những vườn hoa, đường hoa tươi mát dọc theo nhưng sân ga, cung đường suốt tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Chủ tịch VNR Đặng Sỹ Mạnh tự tay trang trí các họa tiết trên "đoàn tàu di sản" trước ngày khai trương tại Huế, hôm 26/3/2024. |
“Đầu tiên, chúng tôi nhen nhóm ý tưởng “Mỗi cung đường, mỗi loài hoa” để qua ô cửa con tàu, hành khách có thể nhìn thấy những nụ đào miền Bắc, thấy chùm bông giấy rực rỡ ở miền Trung và mai vàng phương Nam… suốt bốn mùa”, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) - ông Đặng Sỹ mạnh nói và cho biết, buổi đầu thực hiện ý tưởng đó cũng có đôi chút khó khăn nhưng ông tin nó sẽ góp phần xây dựng được thương hiệu Đường sắt thân thiện nên quyết tâm làm.
Cứ thế, hình ảnh Đường sắt dần xuất hiện trở lại trong mắt người đi tàu ngày một chỉn chu, tiện lợi, sạch sẽ… Không chỉ trên những đoàn tàu có cự ly vài ba trăm cây số mà cả những mác tàu nhanh SE chạy suốt Bắc - Nam.
Hành khách được nghe Ca Huế trên tàu. |
Có ai nghĩ tới một ngày, trên những đoàn tàu trước kia nhiều người quen gọi “tàu chợ” thuộc tuyến Huế - Đà Nẵng - Huế, hành khách lại được nghe cả Ca Huế, được thưởng thức đặc sản chốn Kinh kỳ ngay khi đoàn tàu ôm cua đoạn vịnh biển Lăng Cô để vào Đà Nẵng. Xa hơn chút là những thanh âm vui vẻ của âm nhạc Tây phương trên những toa xe của tàu Đà Lạt - Trại Mát, mỗi khi chạy qua những mảnh vườn, con dốc trên cao nguyên Lâm Viên…
Ngày 11/7/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố Quyết định công nhận Điểm Du lịch “Ga Đường sắt Đà Lạt”. |
“Lúc khai trương đôi tàu HĐ hành trình Huế đi Đà Nẵng và ngược lại, lãnh đạo các địa phương rất ủng hộ. Đường sắt không chỉ đa dạng được sản phẩm, tăng doanh thu mà còn kích thích du lịch các tỉnh, thành phát triển. Nhiều người nói với chúng tôi rằng, họ thấy thích thú và tiếc nuối khi phải xuống tàu kết thúc hành trình con đường di sản. Cảm xúc của khách đi tàu là điều tôi rất quan tâm để qua đó điều chỉnh hay phát huy dịch vụ của mình”, lời Chủ tịch Mạnh.
Một con số gần đây đã chứng minh cho sự đóng góp của những đoàn tàu du lịch khi lượng khách qua Ga Đà Nẵng lên tới 6.000 lượt khách lên, xuống/ngày. Trong khi Ga Huế, hạ tầng không ngừng thay đổi, để đón, tiễn nhiều khách du lịch qua xứ này.
VNR đã phối hợp với 2 Nhà thiết kế Vũ Ngọc & Son tổ chức show thời trang trên sân Ga Sài Gòn hôm 10/8/2024. |
“Chúng tôi đã thử làm một thống kê thì thấy rằng, trong năm 2023 đã có tới 43 triệu giờ hành khách ở trên các đoàn tàu. Đó là một dư địa rất lớn cho ngành Đường sắt khai thác thông qua việc cung cấp dịch vụ trên tàu, nhằm thu hút khách. Chưa kể dưới ga, chúng tôi đang có nhiều khu ga mang nhiều “trầm tích” văn hóa, giá trị lịch sử như Ga Hải Phòng, Ga Đà Lạt, Ga Huế… có thể khai thác để gia tăng giá trị cho ngành”, Chủ tịch Đường sắt Việt Nam cho biết.
Dẫn chứng rõ nhất cho ý tưởng nói trên là việc VNR vừa phối hợp với Hà Nội tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hơn trăm năm tuổi. Và mới đây nhất là một show thời trang, với sự tham gia của hàng trăm người mẫu, hoa hậu, ca sĩ và công chúng yêu catwalk… ngay trên sân Ga Sài Gòn.