Chú trọng đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân trong tình hình mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Hội thảo “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Báo Lao động tổ chức ngày 17/4, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn lao động, xây dựng và phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân trong tình hình mới.
Nhiều giải pháp được đưa ra tại Hội thảo nhằm phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân trong tình hình mới. (Ảnh: H.G).
Nhiều giải pháp được đưa ra tại Hội thảo nhằm phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân trong tình hình mới. (Ảnh: H.G).

Phát biểu tại Hội thảo, bà Võ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội cho biết, qua khảo sát nắm bắt tình hình thực tế, đời sống phần lớn người lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt những công nhân ngoại tỉnh đang thuê trọ trên địa bàn Thành phố còn nhiều khó khăn do thu nhập thấp, nhất là trong giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng sau đại dịch. Để trang trải cho cuộc sống, người lao động phải tăng ca, làm thêm giờ hoặc chờ nhận các khoản trợ cấp, hỗ trợ theo thời điểm, chế độ được hưởng theo điều khoản quy định trong thỏa ước lao động tập thể có lợi hơn so với quy định của pháp luật lao động.

Theo đó, LĐLĐ TP Hà Nội xác định xây dựng Tổ tự quản trong công nhân là một hình thức hoạt động để thực hiện tốt hơn chức năng đại diện chăm lo bảo vệ người lao động và tập hợp công nhân lao động trong tình hình mới, góp phần tạo dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa chính quyền, Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở. Thông qua Tổ tự quản, tổ chức Công đoàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của công nhân, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, bức xúc của công nhân, hạn chế xảy ra các vụ lộn xộn, gây mất trật tự, an toàn xã hội tại địa phương... Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 92 Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân với trên 20.000 công nhân lao động (trung bình mỗi Tổ có từ 50 đến 280 lao động thuê trọ).

Cũng tại Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khẳng định, việc Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, trong đó có công nhân là hết sức đúng đắn và nhân văn, bảo đảm đúng tinh thần của Luật Đất đai: “Đất đai là tài sản của người dân”. Trong đó, những người dân có thu nhập thấp là những người yếu thế, nên nhận được nhiều hơn sự quan tâm và hỗ trợ từ phía Chính phủ, Nhà nước.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, để có thể đạt được kết quả như mục tiêu đã đề ra, cần phải giải quyết một cách triệt để toàn bộ các khó khăn, vướng mắc này. Bởi lẽ, chỉ cần một “nút thắt” không được thông, rất có thể sẽ khiến nhiều khâu bị trì trệ. Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, đây là một đề án hướng đến mục tiêu an sinh xã hội, vì vậy, vai trò chủ đạo phải thuộc về Nhà nước. Trường hợp Nhà nước không đứng ra triển khai được cần sự đồng hành, hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, thì phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp làm.

“Với sự quyết liệt từ phía Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành cũng như sự tham gia nhiệt tình của các đơn vị chủ đầu tư, tôi hy vọng và tin rằng khi các quy định trong Luật Nhà ở có hiệu lực, nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu đầu tư, phát triển và phân phối bao gồm cả bán, cho thuê, cho thuê mua phân khúc nhà này sẽ có nhiều sự cải thiện. Từ đó, góp phần nâng cao cơ hội tiếp cận nhà ở giá bình dân cho người thu nhập thấp, trong đó có lực lượng công nhân”, TS. Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.

Đọc thêm