Nổi bật là việc ban hành Luật Trẻ em năm 2016. Với Luật năm 2016, về cơ bản, hành lang pháp lý để hình thành và vận hành hệ thống bảo vệ trẻ em ở Việt Nam đã được xác định. Cụ thể, theo Điều 47 của Luật, bảo vệ trẻ em được thực hiện dựa trên 3 cấp độ gồm phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp cùng các yêu cầu chi tiết về các biện pháp và dịch vụ cần được cung cấp cho trẻ em ở từng cấp độ. Ngoài ra, trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân để bảo đảm trẻ em được an toàn, được hỗ trợ và can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại cũng được quy định rõ ràng.
Đáng chú ý, quy trình quản lý trường hợp – một quy trình cơ bản và xuyên suốt của công tác xã hội trong bảo vệ trẻ em đã được luật hóa bằng các quy định về quy trình và trách nhiệm xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Theo đó, trách nhiệm lập và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi được giao cho người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã chủ trì, làm đầu mối phối hợp, kết nối, chuyển tuyến… trong quá trình hỗ trợ, can thiệp.
Bên cạnh đó, Luật Trẻ em còn quy định về loại hình, điều kiện hoạt động, thẩm quyền thành lập, cấp đăng ký, đình chỉ, chấm dứt hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Đồng thời, áp dụng các hình thức chăm sóc thay thế đối với trẻ em nhằm đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho biết hiện đang tồn tại nhiều hạn chế, thách thức trong công tác bảo vệ trẻ em. Ông Nam chỉ rõ việc phổ biến Luật Trẻ em 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được triển khai nhưng nhiều quy định mới chậm được triển khai, nhất là ở các địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em của nhiều địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên nên hiệu quả hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa cao. Phần lớn vẫn mang tính hình thức, kiểu như thăm hỏi, động viên, trao cho trẻ em nạn nhân bị xâm hại và gia đình một khoản tiền hỗ trợ từ các quỹ xã hội, từ thiện…
Tới đây, vấn đề quan trọng là những quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em phải được thi hành đồng bộ và hiệu quả, với sự vào cuộc đồng thời của các cơ quan: Công an, Kiểm sát, Tòa án, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tư pháp và các tổ chức, ban, ngành khác. Trong bối cảnh Luật Trẻ em 2016 chỉ là một trong những đạo luật quy định cụ thể các quyền con người, quyền công dân được hiến định thì các nguyên tắc bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền trẻ em; các yêu cầu về bảo vệ trẻ em, sự tham gia của trẻ em của Luật này phải được xem xét để rà soát, bổ sung, sửa đổi các nội dung về/liên quan đến bảo vệ trẻ em trong toàn bộ hệ thống pháp luật. Mục đích chung của việc sửa đổi, bổ sung những bộ luật, luật về/liên quan đến tư pháp là hình thành một hệ thống tư pháp thân thiện và vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em và người chưa thành niên, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Theo đó, cần sớm xem xét việc sửa đổi nâng quy định về tuổi trẻ em trong Luật Trẻ em 2016 (trẻ em là người dưới 16 tuổi) để khắc phục những khoảng trống và thiếu đồng nhất về áp dụng chế tài, biện pháp xử lý hình sự, dân sự, hành chính cũng như các biện pháp bảo vệ đối với độ tuổi từ 16 đến dưới 18; để phù hợp với quy định về tuổi trẻ em và chưa thành niên của Công ước, các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ trẻ em và tư pháp đối với trẻ em, người chưa thành niên. Không những thế, cần sớm triển khai việc nghiên cứu và xây dựng đề án về Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm đồng bộ hóa và quy định cụ thể yêu cầu, thủ tục, tiêu chuẩn “đặc biệt” về tư pháp toàn diện với người chưa thành niên…