Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc bồi thường nhà nước
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bồi thường nhà nước (BTNN) Trần Việt Hưng cho biết, trong Quý III năm 2024, Cục đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch công tác năm 2024 bảo đảm chất lượng, tiến độ công tác.
Cụ thể, trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường xử lý đơn, giải đáp vướng mắc khi thực hiện pháp luật về trách nhiệm BTNN, Cục đã tiếp nhận 26 lượt kiến nghị, trong đó giải quyết 23 kiến nghị, đang nghiên cứu giải quyết 3 kiến nghị.
|
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bồi thường nhà nước Trần Việt Hưng báo cáo tại buổi làm việc. |
Bên cạnh đó, Cục đang phối hợp với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để hoàn thiện Quy chế phối hợp trong công tác BTNN giữa 2 đơn vị; phối hợp với Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về công tác BTNN trong quản lý xử lý vi phạm hành chính và phối hợp với Tổng cục THADS thực hiện công tác BTNN với 02 vụ việc.
|
Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Lê Thái Phương phát biểu. |
Trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác BTNN, Cục đã lập danh mục vụ việc yêu cầu bồi thường và kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ giải quyết các vụ việc đã được thụ lý từ năm 2023 trở về trước đối với 42 vụ việc. Ngoài ra, Cục cũng phối hợp với Sở Tư pháp, các cơ quan liên quan tại địa phương và báo chí để kịp thời nằm bắt thông tin vụ việc. Các công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức cán bộ, hợp tác quốc tế… đều đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Chất lượng trợ giúp pháp lý được nâng cao
Đồng chí Vũ Thị Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) cho biết trong Quý III/2024, Cục đã tập trung triển khai hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.
|
Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Vũ Thị Hoàng Hà báo cáo kết quả công tác Quý III. |
Theo đó, Cục đã tập trung nguồn lực nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các văn bản trong lĩnh vực TGPL, đặc biệt là hoàn thiện nội dung TGPL trong Luật Tư pháp cho người chưa thành niên và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Văn hoá thể thao và du lịch đề xuất nội dung TGPL trong 02 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là CTMTQG phòng, chống ma tuý đến năm 2030 và CTMTQG về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035; công tác truyền thông về TGPL tiếp tục được thực hiện; công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ được đẩy mạnh theo phương châm hướng về cơ sở; …
Trong Quý III, các Trung tâm TGPL Nhà nước đã thụ lý 5.750 vụ việc TGPL tham gia tố tụng (tăng 860 vụ việc so với cùng kỳ năm 2023); kết thúc 3.779 vụ việc (tăng 626 vụ việc so với cùng kỳ năm 2023). Tính đến hết 30/9/2024, có 55 Trung tâm thực hiện thẩm định chất lượng được 8.835 vụ việc, trong đó tất cả các vụ việc thẩm định đều đạt chất lượng. Số vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công là 948 vụ việc (tăng 173 vụ so với cùng kỳ năm 2023).
Đối với công tác phối hợp TGPL trong tố tụng, Cục đã triển khai chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và TAND tối cao về việc người thực hiện TGPL trực tại Tòa án và chương trình phối hợp trực TGPL trong điều tra hình sự giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an. Đến nay đã có 63 Sở Tư pháp phối hợp với TAND cấp tỉnh ký kết Chương trình, kế hoạch phối hợp về việc người thực hiện TGPL trực tại Tòa án; 35 địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Chương trình phối hợp trực TGPL trong điều tra hình sự. Đồng thời, Cục đã thực hiện các công việc chuẩn bị và tham mưu Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Lãnh đạo TAND tối cao làm trưởng đoàn.
|
Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh phát biểu. |
Về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong TGPL, Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động TGPL đã bước đầu kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC); qua đó chia sẻ được với CSDLQGDC khối dữ liệu về người thực hiện TGPL và khai thác được một số trường thông tin liên quan đến người TGPL (như số định danh cá nhân, số Căn cước công dân, họ tên, giới tính…).
Trong Quý IV, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng hoàn thiện nội dung về TGPL trong Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua; tiếp tục hướng dẫn, theo dõi việc triển khai Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành ở 63 địa phương trên toàn quốc…
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận tinh thần chủ động trong triển khai thực hiện công tác và đánh giá cao kết quả hai Cục đạt được trong Quý III.
|
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc |
Đối với Cục BTNN, Thứ trưởng đề nghị đơn vị tiếp tục tổng hợp số lượng và nắm bắt tình hình giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường trên cả nước; đổi mới cách thức theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc công tác BTNN tại các địa phương; đồng thời tăng cường kết nối với người dân, tổ chức, báo chí nhằm nắm bắt kịp thời phản ánh về các vụ việc liên quan đến BTNN.
Bên cạnh đó, Cục cần tiếp tục nghiên cứu các cơ sở chính trị để sửa đổi Luật BTNN để hoàn thiện thể chế trong công tác này, hướng tới đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi. Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu Cục tiếp tục quan tâm công tác tổ chức cán bộ, cân nhắc việc chuyển đổi vị trí việc làm, luân chuyển, điều động nội bộ nhằm tạo động lực công tác cho cán bộ, công chức, viên chức tại Cục.
|
Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Tuấn Phong trao đổi, góp ý. |
|
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà phát biểu. |
Đối với Cục Trợ giúp pháp lý, Thứ trưởng đề nghị Cục tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các đoàn kiểm tra công tác TGPL. Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng muốn nâng cao nghiệp vụ, phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Cục quan tâm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư công “Hệ thống thông tin trợ giúp pháp lý”. Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục tiếp tục phối hợp hoàn thiện các quy định về diện người được TGPL trong các Luật có liên quan; chuẩn bị để chủ động triển khai CTMTQG phòng, chống ma tuý đến năm 2030 và CTMTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 ngay sau khi được Quốc hội thông qua dự kiến vào cuối năm 2024; tiếp tục triển khai nội dung TGPL trong CTMTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực TGPL; chú trọng hoàn thiện thể chế trong công tác trợ giúp pháp lý, hướng tới phát huy vai trò TGPL trong thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người yếu thế, đối tượng chính sách xã hội.