Theo báo cáo, năm 2019 Vụ PLDSKT đã xử lý 6.706 văn bản trong tổng số 72.936 văn bản đến Bộ Tư pháp (chiếm 9,2%); chủ trì soạn thảo 1.348 văn bản trong tổng số 19.079 văn bản đi của Bộ Tư pháp (chiếm 7,1%). Cùng với đó, Vụ đã góp ý đối với 277 dự thảo văn bản QPPL; đã thẩm định 120 dự thảo văn bản QPPL, chiếm gần 50% số lượng thẩm định của Bộ Tư pháp.
Nhìn chung, công tác chỉ đạo, điều hành của Vụ trong năm 2019 được thực hiện tốt, kịp thời, góp phần giúp cho công việc của Vụ được thực hiện đúng kế hoạch, cơ bản đảm bảo tiến độ và chất lượng. Công tác chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện văn bản QPPL, đề án và phản ứng chính sách, pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực. Các mặt công tác khác như tổ chức cán bộ, nghiên cứu khoa học, công tác Đảng, đoàn thể... đều được quan tâm thực hiện tốt.
Để đạt được kết quả trên là nhờ vào tinh thần trách nhiệm, phấn đấu, nỗ lực của từng công chức, lãnh đạo Phòng, Lãnh đạo Vụ; sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và hiệu quả của Lãnh đạo Bộ cùng sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của một số đơn vị trong và ngoài Bộ.
Song, bên cạnh kết quả đạt được, công tác của Vụ PLDSKT năm vừa qua vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: tiến độ và chất lượng một số văn bản chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng; chưa huy động được nhiều trí tuệ chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật có liên quan; công tác phối hợp đôi khi chưa đảm bảo chất lượng...
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức, vấn đề phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật là vô cùng quan trọng để đảm bảo tiến độ và chất lượng của các văn bản QPPL. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những khó khăn xuất phát từ nguyên nhân khách quan như: một số nhiệm vụ được giao chưa đúng chức năng, thẩm quyền của Bộ, kinh phí còn hạn chế… Do vậy, cần nghiên cứu đề án liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, trong đó xác định nguồn kinh phí phù hợp trong cả 2 giai đoạn là lập đề nghị và soạn thảo để đảm bảo hiệu quả cho công tác này.
Còn Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An cho rằng trong bối cảnh nguồn nhân lực và vật lực còn hạn chế, các đơn vị xây dựng pháp luật của Bộ nói chung và Vụ PLDSKT nói riêng cần xây dựng chiến lược dài hạn để thực hiện các nhiệm vụ, trong đó cần xác định và tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Nhận định công việc của Vụ PLDSKT và Vụ Pháp luật quốc tế có nhiều nhiệm vụ đan xen, liên quan mật thiết đến nhau nên ông An cũng mong muốn thời gian tới hai đơn vị tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác phối hợp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra.
|
Ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Vụ PLDSKT đã đạt được, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng đánh giá cao sự lãnh đạo sâu sát, tinh thần đoàn kết nhất trí, không ngừng cố gắng nỗ lực vượt qua khó khăn của tập thể Vụ. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như: việc cho ý kiến pháp lý còn chậm tiến độ, một số vụ việc còn có tư duy "pháp lý thuần túy" mà chưa mềm dẻo, linh hoạt…
Vì vậy, trong năm 2020, Thứ trưởng đề nghị Vụ PLDSKT cần xác định các nhiệm vụ được giao theo hướng đúng trọng tâm trọng điểm, trong đó chú trọng làm tốt hơn nữa công tác xây dựng pháp luật và thẩm định dự thảo văn bản QPPL. Lãnh đạo Vụ cũng như mỗi công chức của Vụ cần tổ chức công việc bài bản, khoa học; duy trì, củng cố môi trường làm việc thân thiện, phát huy được khả năng của mỗi người đồng thời chú trọng tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ để đảm bảo tiến độ và chất lượng các công việc được giao.