Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu làm rõ một số nội dung được các đại biểu quan tâm về tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô...
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu; cũng không có ý định nới lỏng lạm phát mà sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ.
Trước đó, phát biểu cuối phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 88 đại biểu phát biểu, 3 đại biểu tranh luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và 5 Bộ trưởng tham gia phát biểu, giải trình thêm về một số nội dung. Nội dung thảo luận rộng, thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm.
Đa số các ý kiến đồng tình với báo cáo; đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp, sự nỗ lực của doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, ghi nhận các kết quả đạt được.
Các ý kiến cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả năm 2018 và 3 năm; vui mừng với những kết quả đạt được: Tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu, cao hơn giai đoạn trước, năm 2018 có khả năng vượt 6,7%; quy mô kinh tế tăng 1,33 lần so với năm 2015. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nợ công trên GDP giảm và bảo đảm mức an toàn. Chất lượng tăng trưởng chuyển sang chiều sâu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và dầu khí. Tái cơ cấu kinh tế đạt kết quả. Văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin truyền thông có tiến bộ đáng kể. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Phòng chống tội phạm được đẩy mạnh, nhất là phòng chống tham nhũng chuyển biến mạnh...
Các đại biểu cũng nêu nhiều tồn tại, bất cập trên các lĩnh vực; quan tâm tới đời sống người dân vùng dân tộc, miền núi. Phân tích các thuận lợi và khó khăn, đa số các đại biểu đồng tình với các mục tiêu, giải pháp Chính phủ đề ra cho năm 2019 và kiến nghị nhiều nội dung.
Trong 2 ngày 26-27/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Quốc hội đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Sáng 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội với 22 ý kiến phát biểu, một ý kiến tranh luận. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia giải trình về các vấn đề được quan tâm.
Ngay trong phần đầu buổi chiều, các vị đại biểu QH tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp cho QH, Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, đoàn Hà Nội nhắc lại tại các phiên họp trước, đại biểu đã nhấn mạnh vai trò to lớn của văn hóa, việc phát triển nền văn hóa Việt Nam. Gần đây, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đã quan tâm hơn tới văn hóa, Thủ tướng luôn quan tâm tới vai trò của văn hóa trong đối nội và đối ngoại. Văn hóa chính là tiền đề quan trọng để đạt được tất cả các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2018.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết qua tiếp xúc, cử tri cho rằng đầu tư cho văn hóa, nhất là văn hóa đỉnh cao, văn hóa cơ sở... vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa. Cử tri mong muốn lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cần được quan tâm, đào tạo, đầu tư như trên các mặt trận khác. Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam vẫn còn sơ khai, nhỏ lẻ, đặc biệt chưa khai thác được ở quy mô công nghiệp. "Văn hóa là nguồn lực chiến lực để phát triển đất nước ta trong thế kỷ 21", đại biểu phát biểu.
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn, đoàn Long An khẳng định cử tri phấn khởi trước kết quả điều hành của Chính phủ với nền kinh tế xã hội năm 2018, đồng thời đề cập nhiều vấn đề liên quan tới phát triển nông nghiệp tại ĐBSCL. Hiện 80% hàng hóa của vùng vẫn phải chuyển tiếp qua các cảng vùng Đông Nam Bộ, hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ vùng ĐBSCL cũng như liên vùng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, kết nối giữa đường bộ với đường thủy còn kém. Nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao, đòi hỏi kết cấu hạ tầng giao thông của vùng cần được đầu tư tương xứng.
Đại biểu kiến nghị ưu tiên đầu tư các tuyến cao tốc, quốc lộ trong vùng ĐBSCL, đầu tư đường vành đai 3, 4 cho TPHCM, tăng cường đầu tư hệ thống giao thông đường thủy. Về lâu dài, cần tập trung đầu tư hệ thống đường sắt, thu hút các nhà đầu tư các cảng biển, trước hết là cụm cảng trên sông Soài Rạp.
Đại biểu Trần Thị Hằng, đoàn Bắc Ninh nêu rõ kinh tế nước ta đang đi đúng hướng, thể hiện rõ tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, củng cố, tăng cường niềm tin trong nhân dân và nhà đầu tư.
Bày tỏ vui mừng với việc lần đầu tiên công bố bộ chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp, đại biểu kiến nghị các giải pháp phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh còn nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản, có các giải pháp hiệu quả hơn để kết nối khối doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp FDI.
Đại biểu Nguyễn Thị Loan, đoàn Hà Nội đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ, ghi nhận sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, các giải pháp mà Chính phủ đề ra, trong đó có giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Dẫn câu chuyện của Israel, các start-up nổi tiếng trên thế giới, đại biểu nhấn mạnh ý nghĩa của khởi nghiệp sáng tạo với nền kinh tế và xã hội. Tại Việt Nam, cần chú trọng khởi nghiệp trong nông nghiệp nhưng việc này còn nhiều khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đại biểu cho rằng cần có các giải pháp để sinh viên mạnh dạn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhà nước cần có chính sách đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa các đại học thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Quách Thế Tản, đoàn Hòa Bình đồng tình với các báo cáo của Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội. Về kinh tế, chúng ta đã có quyết tâm cao trong cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục cũng có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng còn một số hạn chế như năng suất lao động, năng lực cạnh tranh chưa cao. Để khắc phục các khó khăn, bất cập, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, như Nghị định 63 về hình thức đối tác công tư với nhiều điểm mới để lấp các lỗ hổng trong quản lý các dự án BT, BOT, đây là cố gắng của Chính phủ.
Trong cải cách hành chính, đã cắt giảm trên 50% thủ tục hành chính, 60% điều kiện kinh doanh, đồng thời vẫn còn nhiều hạn chế như còn nhiều văn bản trái luật, sai thể thức văn bản, cần giải pháp khắc phục, xử lý.
Đại biểu đề xuất cần quan tâm hơn tới công tác giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời đối với mọi người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, cùng với giáo dục chính quy trong nhà trường.