Sáng qua (26/4), Bộ Công an công thông báo về về “tình hình, kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy nổ xe cơ giới”…
Đại diện Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải tại cuộc họp báo |
Nhiều nguyên nhân gây cháy nổ
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) qua 439 vụ cháy, nổ ô tô, xe máy trong năm 2010, 2011 và 3 tháng đầu năm 2012, cháy xe xảy ra ở nhiều hãng có thương hiệu như BMW, Mercedes, Ford, Honda, Toyota, Hyundai, Daewoo, Mazda, SYM….
Trong 324 vụ cháy nổ ô tô, xe máy trong năm 2010 và 2011, cơ quan chức năng đã xác định rõ nguyên nhân của 209 vụ (64,5%). Trong đó, cháy do chập điện chiếm 30,25%, do sự cố kỹ thuật là 15,1%, do sơ suất là 9,8%, do tai nạn giao thông là 4,63% và do đốt là 4,32%... Còn trong 115 vụ cháy ô tô, xe máy đầu năm 2012, cơ quan chức năng mới chỉ làm rõ nguyên nhân được 25 vụ.
Lý giải việc còn rất nhiều vụ cháy xe chưa thể xác định nguyên nhân, đại diện Bộ Công an cho rằng, công tác giám định cháy nổ gặp khó khăn do hiện trường bị xáo trộn hoặc do tang vật đã bị cháy toàn bộ…Các cơ quan liên quan sẽ phối hợp nghiên cứu tìm nguyên nhân gây cháy xe; điều tra, làm rõ và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu…
Tuy cho rằng sự cố kỹ thuật được coi là nguyên nhân của hơn 15% số vụ cháy nổ xe, nhưng Đại tá Nguyễn Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết: “chúng tôi không truy sự cố kỹ thuật này là do đâu, thuộc trách nhiệm của ai. Các cơ quan liên quan theo trách nhiệm của mình sẽ phải kiểm tra, rà soát. Ngay cả các hãng xe cũng phải tăng cường kiểm tra chất lượng an toàn đối với phụ tùng, xe sản xuất và xe lắp ráp”.
Liên quan đến “sự cố kỹ thuật” trên đây, đại diện Bộ GTVT cũng không chỉ ra được những nguyên nhân cụ thể hơn mà chỉ lấy một ví dụ mang tính phán đoán: “có thể dòng xe cao cấp (tiêu chuẩn khí thải Euro 4 hoặc Euro 5) dùng xăng theo tiêu chuẩn hiện nay Việt Nam sẽ bị tắc bộ xử lý khí thải, gây nóng vượt nhiệt độ cho phép (có khi đỏ rực), gây cháy”.
Còn theo trách nhiệm, Bộ GTVT đã “chỉ đạo các cơ quan chức năng yêu cầu cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy tăng cường kiểm tra chất lượng an toàn với xe sản xuất, lắp ráp; Tăng cường việc quản lý đối với cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, xe máy; Chỉ đạo Cục đăng kiểm tiến hành kiểm tra cơ cở lắp ráp xe máy…”.
Nghi xăng nhưng chưa có bằng chứng
Đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết, qua nghiên cứu 56 mẫu xăng dầu lấy từ phương tiện bị cháy và các cây xăng (nơi các chủ xe bị cháy đã mua) cho thấy cả 56 mấu đều phù hợp QCVN 1:2009/BKHCN về các chỉ tiêu thẻ nghiệm và không phát hiện có metanol, aceton trong xăng. “Với kết quả này thử nghiệm ở trên thì chưa có bằng chứng thể hiện đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ cháy nổ ở xe cơ giới trong thời gian qua”.
Đại diện Bộ này dẫn chứng thêm:“Các nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết quả, nhiên liệu xăng và hỗn hợp nhiên liệu xăng có pha hàm lượng ethanol hoặc methanol nhỏ hơn 30% chỉ bốc cháy trên động cơ, gây ra cháy xe khi bản thân nhiên liệu bị rò rỉ và đồng thời có tia lửa điện tại thời điểm đó (chập mạch hệ thống điện của động cơ hoặc do ma sát sinh ra) hoặc có sự tiếp xúc với nguồn nhiệt nóng hơn 490 độ C”.
Đánh giá tiếp về khả năng “rò rỉ nhiên liệu”, đại diện Bộ KHCN cho rằng “nhiên liệu có pha hàm lượng etanol hoặc metanol cao, gây lão hóa đường ống dẫn nhiên liệu, roăng cao su dẫn đến rò rỉ nhiên liệu.
Đồng tình với đánh giá về việc xăng pha etanol hoặc metanol có thể gây rạn, vỡ ống nhiên liệu nhưng PGS.TS. Hoàng Mạnh Hùng, (Giám đốc Trung tâm tư vấn, giám định dân sự, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phát biểu: “Chưa thể loại xăng là nguyên nhân gây cháy, nổ được. Cần xem định hướng nghiên cứu của chúng ta đã đúng chưa. Cần phải tập trung xác định các chất lạ trong xăng.
Xăng có hàng chục loại phụ gia khác nhau (chống mài mòn, tạo màu, tăng chỉ số octan…) nhưng chúng ta mới có kiểm tra được ba loại phụ gia. Còn các chất khác mà bị rò rỉ, bay hơi nhanh thì cũng rất nguy hiểm vì sẽ gây cháy nổ nếu có tia lửa điện và oxy. Tôi chia sẻ với các cơ quan chức năng là việc kiểm tra các chất này trong các vụ cháy là rất khó vì nó đã bay hơi hết…
Cần cập nhật thông tin về các thành phần trong xăng của thế giới chứ không thể cứ kiểm tra theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Ngoài ra, các cơ quan cũng chưa tập trung kiểm tra dầu trong khi loại nhiên liệu này cũng rất dễ bị người bán hàng pha trộn tạp chất để tăng lợi nhuận”
Ý kiến trên của ông Hùng được khá nhiều người quan tâm. Còn Thiếu tướng Nguyễn Anh Dũng- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát về quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội- cũng cho hay: “Mong PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng sẽ tiếp tục phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để xác định chín xác nguyên nhân cháy, nổ xe cơ giới trong thời gian qua”.
Khoa Lâm