Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc những sai phạm tại Vinashin có dấu hiệu được bao che, nuông chiều, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng, chưa thấy có dấu hiệu hoặc có căn cứ để nói như vậy.
Ông Truyền cho hay, báo cáo Chính phủ cũng xác định rõ trách nhiệm của Chính Phủ còn lúng túng trong việc xác định cơ chế quản lý trong khi giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tập đoàn thuộc các tổng công ty, nhưng thể chế, cơ chế, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán thì chưa tương xứng, kém hiệu quả, do đó chưa phát hiện kịp thời những yếu kém, vi phạm trong hoạt động quản lý của tập đoàn để ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, một số ý kiến chưa đồng tình và có lập luận Chính Phủ còn buông lỏng quản lý, nhất là buông lỏng việc kiểm tra, giám sát và thậm chí còn có biểu hiện bao che, dung túng để Tập đoàn Vinashin vi phạm nghiêm trọng mà không biết, không xử lý để đánh giá đúng vi phạm của tập đoàn và trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi cơ quan, cá nhân để xảy ra vi phạm của Vinashin. Đặc biệt hiện nay, cơ quan chức năng đang xem xét, làm rõ và đề nghị xử lý theo thẩm quyền, theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Truyền, vào nửa năm 2008, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất kế hoạch thanh tra toàn diện Vinashin nhưng do Bộ Tài chính có 2 cuộc thanh tra liên tiếp về quản lý vốn của Vinashin, theo nghị định chung của Chính phủ quy định mỗi đơn vị kinh tế mỗi năm chỉ thanh tra một lần, nếu đã có cơ quan này thanh tra thì cơ quan khác không làm, vì vậy Thanh tra Chính phủ phải lùi lại để năm sau.Năm 2009, Thanh tra Chính phủ tiếp tục đề xuất kế hoạch thanh tra toàn diện Vinashin, Chính phủ đã duyệt kế hoạch thanh tra và đến tháng 3/2009 Chính phủ họp ra nghị quyết là phải điều chỉnh để giảm áp lực thanh tra các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty Nhà nước để các đơn vị này tập trung vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả kinh tế, khắc phục suy thoái.
Chính phủ cũng yêu cầu thanh tra điều chỉnh kế hoạch để hướng vào thực hiện thúc đẩy các gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của ngân hàng nên kế hoạch thanh tra bị hoãn lại.
Đến năm 2010, trước tình hình rất cấp bách, Thanh tra Chính phủ tiếp tục ghi vào đề nghị kế hoạch thanh tra toàn diện đối với Vinashin và cũng được Chính phủ duyệt, nhưng đến tháng 1/2010, Ủy ban kiểm tra Trung ương vào kiểm tra thấy có dấu hiệu vi phạm, cũng theo nguyên tắc, Ủy ban kiểm tra Trung ương đang làm thì Thanh tra Chính phủ chưa làm.
Như vậy, trong 3 lần thanh tra này, tuy có kế hoạch, nhưng chưa được tiến hành và đi đến nhận định chung của đại biểu Quốc hội là chưa có cuộc thanh tra toàn diện để đánh giá đầy đủ toàn diện, kịp thời.
Theo ông Truyền, việc này có một phần lỗi do trách nhiệm là do hệ thống như vậy nên tuy thanh tra nhiều nhưng phát hiện không đầy đủ, không kịp thời, không có xử lý kịp thời đúng mức các lỗi phạm của Vinashin mang tính chất ngăn chặn. Tuy nhiên, cũng có phần do cơ chế là làm rất nhiều nhưng vì chồng chéo hoặc do không phân định rõ, dẫn đến có sự chờ đợi lẫn nhau, cái này cũng có ý kiến cho rằng nhùng nhằng.
“Trên thực tế không có sự đùn đẩy hoặc là sự nhùng nhằng ở đây, vấn đề là do điều hành còn có những khiếm khuyết”, ông Truyền cho hay.
Trước ý kiến cho rằng, có dấu hiệu là Chính phủ bao che cho Vinashin, nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước về công tác thanh tra, ông Truyền khẳng định đã báo cáo rất rạch ròi, còn “Chính phủ bao che như thế nào thì chúng tôi chưa thấy có dấu hiệu hoặc có căn cứ để nói như vậy”, ông Truyền, cho biết.
Việt Hưng