Chưa hết lo lắng khi cho học sinh trở lại trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua sau khi các địa phương cho học sinh quay trở lại trường đã ghi nhận nhiều học sinh, giáo viên nhiễm bệnh COVID-19. Điều này khiến không ít phụ huynh lo lắng trước phương án cho học sinh đi học tập trung.
Nhiều địa phương lên phương án đón học sinh trở lại trường học.
Nhiều địa phương lên phương án đón học sinh trở lại trường học.

Nhiều học sinh, giáo viên nhiễm COVID-19

Hiện nay mặc dù dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa muốn cho con đến trường khi chưa được chích ngừa vaccine COVID-19. Thực tế, tại nhiều địa phương, ngay khi đến trường hôm trước, hôm sau học sinh đã tiếp tục ở nhà.

Cụ thể, tại Phú Thọ tính đến chiều 30/10, tỉnh ghi nhận 203 học sinh và giáo viên mắc COVID-19 (19 giáo viên và 184 học sinh). Riêng ngày 29/10, thêm 7 giáo viên và 14 học sinh dương tính SARS-CoV-2, gồm 7 trẻ mầm non.

Toàn tỉnh có 388 giáo viên và 3.337 học sinh là F1, 10.225 học sinh và giáo viên đang thực hiện cách ly.

Sở GD&ĐT Phú Thọ yêu cầu các trường THPT trên địa bàn TP Việt Trì, huyện Phù Ninh; Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp tỉnh, Trung tâm GDTX tỉnh tiếp tục tạm dừng đến trường và tổ chức dạy học trực tuyến từ ngày 1/11/2021, cho đến khi có thông báo mới.

Từ ngày 14/10 đến nay, Phú Thọ ghi nhận 593 caCOVID-19.

Còn tại Nghệ An, hơn 100 học sinh, giáo viên ở huyện Quỳnh Lưu phải cách ly tập trung sau khi phát hiện 3 học sinh mắc COVID-19 chưa rõ nguồn lây. Qua điều tra dịch tễ ban đầu cơ quan chức năng đã xác định có 257 trường hợp F1 của 5 F0 nói trên, trong đó hơn 100 F1 là học sinh, giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 3 và Trường Tiểu học Quỳnh Bảng.

Ngày 29/10, Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu đã thông báo cho các trường học ở 5 xã liên quan đến các ca F0 ở xã Quỳnh Bảng dừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến. Ngoài ra, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An cũng vừa trưng dụng Trường THCS xã Nghi Trung để làm khu cách ly tập trung sau khi 1 học sinh ở địa phương này mắc COVID-19.

Tại nhiều địa phương khác như Quảng Nam, Thanh Hóa thời gian qua cũng ghi nhận nhiều học sinh, giáo viên mắc COVID-19 buộc phải tạm dừng cho học sinh đến lớp.

Thấp thỏm đến trường hay học online?

Tại Hà Nội, những ngày này, chủ đề đi học trực tiếp hay học trực tuyến đang được nhiều phụ huynh quan tâm. Việc các địa phương cho phép đến trường rồi lại đóng cửa vì xuất hiện các ca F0 là học sinh hoặc giáo viên, và buộc phải dừng việc học lại khiến phụ huynh Hà Nội đưa ra như một dẫn chứng về việc chưa nên cho học sinh đến trường.

Không ít phụ huynh cho rằng, học là việc cả đời. Học online dù không hiệu quả như mong đợi nhưng phụ huynh cũng không vì thế mà sốt ruột. Bởi các con đi học được ít ngày rồi lại nghỉ, thậm chí phải đi cách ly tập trung vì dịch bệnh còn đáng lo hơn.

Có thể nói, sau gần hai năm sống chung với dịch bệnh, nhiều phụ huynh đã thay đổi quan điểm, không còn quá thúc ép con học hành nữa. Với họ, sự an toàn quan trọng hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có luồng ý kiến khác mong con sớm được đến trường. Nhiều hội nhóm phụ huynh chia sẻ, con mình ở nhà lâu đã trầm cảm, phải đi trị liệu bác sỹ tâm lý vô cùng tốn kém mà hiệu quả chưa thấy đâu khi con vẫn chưa thấy ổn để tự lập trở lại. Nhiều bạn cuối cấp học hành căng thẳng, không muốn đến trường hay ra ngoài gặp gỡ bạn bè nữa.

Ngoài ra các bạn cũng tự ti vì tăng cân, tăng độ cận, và ở lâu trong nhà thành thói quen… Chưa kể, các phụ huynh cho rằng, nếu cứ e ngại mà không trở lại trường thì biết đến bao giờ, khi chúng ta đã xác định sống chung với COVID-19…

Mới đây, Sở GD&ĐT, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành 16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch trong trường học tại Hà Nội để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Số tiêu chí đạt càng nhiều thì mức độ an toàn càng cao, trường học càng an toàn.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, với chiến lược sống cùng COVID-19 thì ai cũng có nguy cơ nhiễm COVID-19 nếu không tuân thủ đúng 5K. Dù chúng ta có chiến lược là nếu nhiễm ngoài cộng đồng thì sẽ điều chỉnh, cách ly khoanh vùng ở diện nhỏ, nhưng một trường học rất khó khi học tập trung.

Vì thế, ông Hiếu cho rằng, học sinh cần phải được tiêm vaccine mới đến trường và nên ưu tiên tiêm vaccine cho độ tuổi 16 - 18, vì đối tượng này nguy cơ mắc bệnh không khác gì người trên 18 tuổi, nguy cơ chuyển biến nặng cũng gần như tương đương.

Các em cuối cấp cần được tiêm trước để chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng trong cuộc đời. Đối với trẻ em từ 12 tuổi trở lên, nên tiêm những trường hợp có yếu tố nguy cơ như bị béo phì, bệnh nền... Còn các trường hợp khác nên dựa vào nguyện vọng, nhu cầu của gia đình. Riêng các trường hợp trẻ từ 1 - 3 tuổi, ông Hiếu cho rằng chưa nên tiêm.

TP HCM đề xuất học sinh trở lại trường vào đầu tháng 12

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, các địa phương sẽ hoàn tất việc tiêm vaccine cho học sinh THPT và tiếp tục lộ trình tiêm chủng hạ dần độ tuổi. Việc tiêm chủng cho học sinh được thực hiện từ ngày 27/10 và dự kiến kéo dài trong khoảng 1 tuần. Theo kế hoạch, sau khi tiêm mũi 1 từ 3-4 tuần, học sinh sẽ tiếp tục tiêm mũi 2. Dự kiến cuối tháng 12 sẽ hoàn tất kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-17.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết dự kiến Sở GD&ĐT sẽ xây dựng phương án và đề xuất với UBND TP HCM cho học sinh các lớp cuối cấp (lớp 9 và 12) cùng những học sinh THPT đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin được đi học trực tiếp trở lại vào đầu tháng 12 tới.

Đọc thêm