Vì vậy, cần thiết phải có những giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp của tòa án nhằm đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh.
7 nguy cơ tiêu cực, tham nhũng
Đây là một trong những đánh giá qua rà soát các quy định của pháp luật có liên quan được nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Trần Văn Độ nêu tại Hội thảo “Hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp để góp phần bảo đảm lợi ích cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”. Hội thảo do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc vào hôm qua (24/3) tại Hà Nội.
Theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp của ngành Tòa án càng trở nên quan trọng và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp. Bởi lẽ, hành vi tiêu cực có thể tạo ra rào cản, làm phát sinh chi phí hoặc làm mất cơ hội của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, rộng hơn có thể gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế nói chung.
Nhận diện nguy cơ tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp của tòa án liên quan đến giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế, ông Độ nêu ra 7 nguy cơ khác nhau theo mức độ, theo giai đoạn, theo khách thể bị xâm phạm. Cụ thể là nguy cơ tiêu cực, tham nhũng trong việc tiếp nhận đơn khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự; trong việc xem xét, phân công thẩm phán phụ trách xét xử, giải quyết; giải quyết vụ án quá hạn luật định; quyết định tạm đình chỉ vụ án không đúng quy định; trong quá trình lập hồ sơ, thu thập chứng cứ và xét xử vụ án; áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng pháp luật nội dung.
Chẳng hạn, ngay trong giai đoạn tiếp nhận đơn khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, thẩm phán được giao nhiệm vụ thụ lý vụ án đã có thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp để được thụ lý hoặc cung cấp thông tin cho bên bị đơn, cá nhân, tổ chức liên quan với mục đích vòi vĩnh. Theo đó, người nhận đơn có thể đưa ra những yêu cầu khiến người khởi kiện phải “xin xỏ”; không giải thích rõ ràng những điểm cần bổ sung trong khi sắp hết thời hạn khởi kiện, đe dọa, ép buộc hoặc dùng thủ đoạn khác để người khởi kiện phải đưa hối lộ “vặt” để đơn được nhận, vụ án được thụ lý. Hậu quả là vụ việc có thể không được thụ lý hoặc mất nhiều thời gian, công sức để có thể thụ lý, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp khi quyền lợi không được bảo vệ kịp thời, hoặc làm phát sinh chi phí không chính thức.
Kết hợp phòng, chống tham nhũng với quy tắc ứng xử, đạo đức
Thống kê của TANDTC cho thấy, từ năm 2012 đến năm 2014, có 141 người có hành vi vi phạm bị xử lý, trong đó 23 người bị xử lý hình sự, 118 người bị kỷ luật (10 người bị cách chức, 54 người bị khiển trách, 35 người bị cảnh cáo, 2 người bị hạ bậc lương và 17 người bị buộc thôi việc) và xử lý kỷ luật về Đảng với 5 người. Nếu phân loại theo hành vi vi phạm, có 23 người có hành vi tham ô, nhận hối lộ trong hoạt động công vụ; 83 người vi phạm chế độ công vụ; 32 người vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức; 3 người vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Khắc phục tình trạng trên, Tòa án các cấp gần đây đã nỗ lực phòng chống tiêu cực, tham nhũng như chuyển đổi vị trí công tác, kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai và xác minh tài sản, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; giám sát tặng quà và nhận quà tặng; ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp; tăng cường công khai, minh bạch, trong đó đáng chú ý là công khai bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án…
Tuy nhiên, nhằm bảo đảm cho các hoạt động kinh doanh, ông Độ và các chuyên gia đã kiến nghị 4 nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp của tòa án. Bên cạnh nhóm giải pháp cải thiện hoạt động hành chính tư pháp, nhóm giải pháp thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và xử lý kỷ luật với thẩm phán, cán bộ tòa án thì nhóm giải pháp hoàn thiện pháp luật được đặt lên hàng đầu từ việc ban hành, công khai hóa hệ thống mẫu đơn, tài liệu, giấy tờ tố tụng đến nghiên cứu phát triển sâu hơn nữa hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực chứng cứ, chứng minh; nghiên cứu xây dựng cách thức tăng cường tranh tụng phù hợp với mô hình tố tụng dân luật…
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Tuấn Anh lại quan tâm đến vấn đề quy tắc ứng xử của thẩm phán, cán bộ, công chức ngành Tòa án. Ông Tuấn Anh cho rằng cần xem xét một cách tổng thể dự thảo Quy chế xử lý trách nhiệm của người giữ chức danh tư pháp, tránh vi phạm độc lập tư pháp, gây áp lực quá mức cho cá nhân thẩm phán và cán bộ tòa án, cũng như đến mỗi tòa án. Đồng thời, cũng cần cân bằng giữa trừng phạt và bảo vệ thẩm phán, đặc biệt là trong bối cảnh cơ chế bảo vệ thẩm phán nói chung trong hệ thống pháp luật Việt Nam còn chưa đầy đủ. Ngoài ra cũng phải quan tâm đến những vấn đề khác khi thẩm phán, cán bộ tòa án tham gia các hoạt động ngoài tòa án để không làm tổn hại đến hình ảnh của cơ quan..