Nhiều điểm sáng trong tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng

(PLO) - Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016” sau 05 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả. Đáng chú ý, từ việc triển khai đã xuất hiện nhiều mô hình điểm.
Tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa giúp đưa pháp luật PCTN đến gần hơn với người dân.
Tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa giúp đưa pháp luật PCTN đến gần hơn với người dân.

Theo Ban điều hành Đề án, qua 05 năm thực hiện (2012-2016), cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) về phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện Đề án một số địa phương đã cấp kinh phí riêng dành cho công tác này.

Việc thực hiện Đề án cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Hoạt động chỉ đạo điểm được triển khai sát với thực tế; các hình thức, biện pháp thực hiện khá phù hợp tại địa bàn cơ sở. Đề án góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của xã hội về vị trí, vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng, tác hại của tham nhũng và pháp luật phòng, chống tham nhũng. Qua việc triển khai thực hiện Đề án, nhiều mô hình, hình thức, biện pháp PBGDPL về phòng, chống tham nhũng có hiệu quả được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện và tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng.

Trong những mô hình được đánh giá hiệu quả, có thể kể đến như “Nhóm nòng cốt”  tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở khu dân cư, gắn với xây dựng mô hình “Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức cuộc thi bằng hình thức sân khấu hóa, thông tin lưu động, cổ động trực quan; phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện các chuyên trang, chuyên mục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; lồng ghép phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và các phong trào, hoạt động của Đảng và các tổ chức đoàn thể;

Thực hiện công khai văn bản, chế độ, chính sách; tổ chức đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp về chế độ, chính sách và thực hiện chế độ, chính sách; PBGDPL thông qua hình thức phiên tòa giả định...

Mô hình điểm tại địa bàn cấp xã đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền sinh động như cấp phát miễn phí các tờ gấp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng; dựng pa-nô, áp-phích tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các điểm công cộng trên địa bàn cấp xã; phát các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên hệ thống truyền thanh cơ sở; tổ chức các buổi thông tin lưu động phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, nhân dân tại địa bàn dân cư.

Tại cơ quan, tổ chức trực tiếp giải quyết công việc của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ngoài các hình thức tuyên truyền truyền thống như hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề còn tổ chức trình chiếu một số tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng; niêm yết công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí tại trụ sở làm việc; xây dựng các biểu, bảng chỉ dẫn về thủ tục hành chính, đường dây điện thoại và email; bố trí cán bộ thường trực để tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đến giải quyết công việc…

Tuy nhiên, việc triển khai Đề án còn những hạn chế như một số địa phương thực hiện PBGDPL về phòng, chống tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Các hình thức phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa đa dạng, chủ yếu là các hình thức truyền thống. Tài liệu pháp luật về phòng, chống tham nhũng được phát hành còn hạn chế về số lượng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hiện Đề án chưa đồng bộ, chặt chẽ…

Ban điều hành Đề án đề xuất: Quốc hội sớm thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã không còn phù hợp). Thực hiện có hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội đối với các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Nghị quyết số 14/2016/QH14 ngày 27/7/2016 của Quốc hội.

Với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban điều hành Đề án kiến nghị ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành thể chế, chính sách để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung, PBGDPL về phòng, chống tham nhũng đạt hiệu lực, hiệu quả. Xem xét, cho phép gia hạn việc thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ,  công chức, viên chức và nhân dân” giai đoạn 2017 – 2021.

 Với các bộ, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được giao quản lý, tăng cường PBGDPL về phòng, chống tham nhũng bằng các hình thức, biện pháp phù hợp với đối tượng, địa bàn.

Đọc thêm