Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, kể từ ngày 1/1/2018, “NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép LĐ hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ”.
NLĐ nước ngoài tại Việt Nam, Việt Nam tại nước ngoài ngày càng tăng
Theo số liệu thống kê của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thì số lượng LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Từ năm 2011 đến năm 2016, số LĐ nước ngoài từ 63.557 người lên 83.046 người, trong đó nữ chiếm 16,6%. Số LĐ nước ngoài chủ yếu đến từ các quốc gia ở châu Á (chiếm 73% tổng số LĐ nước ngoài, trong đó một số quốc gia có đông LĐ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), châu Âu (chiếm 21,6%). Số LĐ nước ngoài làm việc dưới 1 năm chỉ chiếm 4,4% điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng LĐ nước ngoài và tính ổn định của LĐ này ở Việt Nam.
Bên cạnh số lượng LĐ nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng tăng thì LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng đang tiếp tục tăng lên qua các năm. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, giai đoạn 2011-2015 cả nước đưa đi được 479.592 LĐ trong đó LĐ nữ chiếm 167.266 LĐ (chiếm 34,9%). Một số thị trường có đông LĐ Việt Nam làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Ả rập Xê út...
Theo nguyên tắc “bình đẳng trong đối xử” được nêu tại Công ước số 102 của ILO về an sinh xã hội năm 1952 và Công ước số 118 của ILO năm 1962 đảm bảo bình đẳng giữa LĐ trong nước và LĐ nước ngoài ở cả chín chế độ BHXH. Theo đó, việc áp dụng chính sách BHXH của một quốc gia đối với LĐ của mình như thế nào thì được khuyến nghị áp dụng đối với LĐ nước ngoài tương tự như vậy.
Còn nội dung nguyên tắc “có đi có lại” thể hiện: luật pháp của một quốc gia áp dụng chính sách BHXH đối với công dân nước ngoài như thế nào thì công dân nước đó ở nước ngoài cũng sẽ được áp dụng chính sách BHXH tương tự.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật BHXH thì: “Người LĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép LĐ hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ”.
Hiện nay có hai phương án trong việc quy định đối tượng áp dụng tại Nghị định này. Phương án thứ nhất, do Luật BHXH có quy định 3 nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam là nhóm có giấy phép LĐ hoặc có giấy phép hành nghề hoặc có chứng chỉ hành nghề, vì vậy, đối tượng áp dụng của Nghị định cũng chính là người LĐ thuộc một trong 3 nhóm đối tượng nêu trên mà không giới hạn ở người LĐ làm việc theo hợp đồng LĐ.
Phương án thứ hai, mặc dù Luật BHXH quy định áp dụng BHXH bắt buộc với 03 nhóm đối tượng, tuy nhiên, BHXH là loại hình hướng đến đối tượng là người có quan hệ LĐ, vì vậy, đối với nhóm đối tượng là người LĐ nước ngoài sẽ áp dụng tương tự như LĐ Việt Nam. Theo đó, từ ngày 01/01/2018, người LĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc một trong 3 nhóm đối tượng nêu trên, đồng thời phải có hợp đồng LĐ từ đủ 1 tháng trở lên với người sử dụng LĐ tại Việt Nam thì sẽ thuộc đối tượng áp dụng tại Nghị định này.
Thực hiện bao nhiêu chế độ BHXH
Theo quy định của Luật BHXH thì BHXH bắt buộc bao gồm 05 chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn LĐ - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, hiện nay theo thiết kế của Luật BHXH 2014 thì có nhóm đối tượng áp dụng cả 5 chế độ là cán bộ, công chức, viên chức, người LĐ làm việc theo hợp đồng LĐ; bên cạnh đó có nhóm đối tượng cũng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chỉ áp dụng với hai chế độ là hưu trí và tử tuất như cán bộ không chuyên trách cấp xã, người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không bao gồm hợp đồng LĐ trong các doanh nghiệp trúng thầu, đầu tư ra nước ngoài), người đi theo diện phu nhân, phu quân. Như vậy, rõ ràng việc thực hiện BHXH bắt buộc có thể được thực hiện với một, một số hoặc cả 5 chế độ của BHXH bắt buộc.
Trong quá trình xây dựng nghị định, có hai phương án liên quan đến vấn đề này. Phương án thứ nhất là chỉ áp dụng các chế độ ngắn hạn đối với người LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam để thuận lợi trong quá trình thực hiện, các chế độ ngắn hạn mang tính chất chia sẻ rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn, bảo vệ cho người LĐ nước ngoài trong quá trình làm việc tại Việt Nam. Đồng thời theo quy định của Luật BHXH 2014 thì thời gian đóng góp tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng là 20 năm, trong khi đó đặc điểm của người LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn, nếu quy định cả chế độ dài hạn thì sẽ gây khó khăn cho LĐ nước ngoài khi tiếp cận chế độ hưu trí hàng tháng, làm giảm ý nghĩa của chính sách.
Phương án thứ hai cho rằng cần quy định áp dụng cả 5 chế độ của BHXH bắt buộc để đảm bảo người LĐ nước ngoài được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ của BHXH bắt buộc như đối với người LĐ Việt Nam. Bởi theo quy định của pháp luật BHXH thì trong trường hợp người LĐ không còn cư trú ở Việt Nam thì sẽ hưởng khoản trợ cấp một lần.
Để đảm bảo nguyên tắc đối xử bình đẳng và nhằm đảm bảo quyền lợi cho người LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng như người LĐ Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất đối tượng là người LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc sẽ được thực hiện với cả 5 chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn LĐ – bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.
Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội): Khoản 2 Điều 2 Luật BHXH 2014 quy định: “Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ”. Do đó, Dự thảo Nghị định do Bộ LĐ-TB&XH soạn thảo, đề xuất đối tượng là NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc sẽ được thực hiện với cả 5 chế độ là: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.
Ông Hiroshi KaraShima - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam: Dự thảo cần làm rõ đối tượng lao động được áp dụng của Nghị định này, cùng những đối tượng được loại trừ tham gia BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, để thực hiện Nghị định này thì Việt Nam cần có những hiệp định song phương về chính sách BHXH với các quốc gia khác để NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam không phải đóng BHXH 2 lần ở cả 2 nước…
Ông Phạm Thanh Du - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán (BHXH Việt Nam): Việc thực hiện BHXH bắt buộc với NLĐ là công dân nước ngoài có thể phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong chi trả, ban hành mẫu sổ, mẫu hồ sơ, giấy tờ bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, đòi hỏi cán bộ ngành BHXH cũng như các cơ quan chức năng cần đầu tư nâng cao trình độ ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông dữ liệu với các nước…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu: Việc xây dựng Nghị định về thực hiện BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng. Việc này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Tuy nhiên, việc xây dựng Nghị định này đang gặp nhiều vướng mắc như việc thống nhất mức đóng, mức hưởng chế độ BHXH giữa các nước; liên thông dữ liệu giữa các quốc gia; việc chuyển đổi tiền tệ; quy định về thuế…
Do đó, Dự thảo Nghị định cần xây dựng lại theo kiểu hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và các nước, trên cơ sở có đi có lại, bảo vệ quyền lợi NLĐ của cả 2 nước. NLĐ phải được đóng hưởng mức lương ở nước sở tại; đảm bảo tính tương đồng về mức đóng, tỷ lệ hưởng, cộng nối thời gian công tác… Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng phải tính đến vấn đề pháp luật thuế, bảo vệ quyền con người, toàn diện hơn nữa.
Ý kiến của nhiều đại diện các doanh nghiệp: Hầu hết NLĐ nước ngoài đều mong muốn được tham gia BHXH, tuy nhiên do đặc thù công việc ngắn hạn, theo các dự án nên NLĐ nước ngoài chỉ mong muốn được tham gia các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, sau khi hết hợp đồng họ phải về nước ngay lập tức nên việc giải quyết chế độ BHXH có được kịp thời hay không và họ có được chọn đồng tiền theo mong muốn không? Mặt khác, trong dự thảo Nghị định còn nhiều từ ngữ có nhiều cách hiểu, khiến các doanh nghiệp khó giải thích cho NLĐ… Nghị định cũng cần nêu rõ đối tượng tham gia đối với trường hợp NLĐ thuộc diện miễn giấy phép lao động.