Chùa nổi tiếng linh thiêng 'hút' khách đầu năm ở miền Bắc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Miền Bắc có nhiều đền, chùa được cho rằng rất linh thiêng với khung cảnh độc đáo, hữu tình, thu hút đông đảo khách thập phương tới hành lễ, tham quan đầu năm...

“Nam thiên đệ nhất động” - Chùa Hương (Hà Nội)

Chùa Hương là một trong những ngôi chùa tâm linh nổi tiếng ở miền Bắc, đặc biệt là vào dịp đầu xuân năm mới. Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là một hệ thống các công trình văn hóa – tôn giáo Việt Nam, bao gồm nhiều chùa Phật, đền thần, đình làng, thờ các vị thần liên quan đến nông nghiệp. Hương Sơn nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bên bờ phải sông Đáy.

Chùa Hương với sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc, cùng núi non hùng vĩ và chùa chiền cổ kính tạo nên một khung cảnh đẹp như tranh vẽ, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đến chùa Hương, mọi người không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa, mà còn có thể cảm nhận được không khí tâm linh và bình yên ở đây.

Năm nay, Lễ hội Chùa Hương diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 11/02/2024 đến hết ngày 11/5/2024 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 4/4 năm Giáp Thìn). Khai hội chính thức ngày 15/2/2024, tức ngày mùng 6 tháng Giêng tại Sân chùa Thiên Trù - Chùa Hương. Theo ban tổ chức, giá vé thắng cảnh năm nay 120.000 đồng/người/lượt, không bán vé tại 2 cổng Đục Khê và Tiên Mai. Giá vé dịch vụ thuyền, đò vận chuyển khách Tuyến Hương Tích là 85.000 đồng/người/ 2 lượt vào, ra; Tuyến Long Vân là 65.000 đồng/ người/ 2 lượt vào, ra; Tuyến Tuyết Sơn: 65.000 đồng/ người/ 2 lượt vào, ra.

Về giá vé cáp treo khứ hồi người lớn là 220.000 đồng; Trẻ em 150.000 đồng. Vé một lượt người lớn là 150.000, trẻ em là 100.000 đồng.

Dịp Tết là thời điểm đặc biệt để ghé thăm chùa Hương. Lễ Hội Chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất và lâu đời nhất của nền Phật Giáo Việt Nam, thu hút hàng nghìn người đến chùa để cầu an, cầu phúc và tham gia các hoạt động văn hóa, tôn giáo độc đáo của vùng đất này.

“Đất Tổ Phật giáo Việt Nam” - Chùa Yên Tử (Quảng Ninh)

Đỉnh thiêng Yên Tử xưa nay vẫn luôn nổi tiếng là một trong những khu du lịch tâm linh đẹp và nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Nơi đây không chỉ sở hữu quần thể chùa chiền rộng lớn, linh thiêng, mà còn khiến du khách phải mê đắm bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Mặc dù có thể tham quan Yên Tử bất cứ lúc nào trong năm nhưng khoảng thời gian lý tưởng nhất để khám phá nơi đây là từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch hằng năm. Đây là lúc tại Yên Tử diễn ra những lễ hội cực kỳ đặc sắc, thu hút hàng vạn du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đổ về tham quan, lễ bái.

Núi Yên Tử có độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển. Du khách đến đây có thể lựa chọn leo bộ hoặc đi cáp treo để lên được đến đỉnh thiêng Yên Tử hay chính là chùa Đồng. Nếu đi bộ từ chân núi lên đỉnh với quãng đường dài khoảng 6km và sẽ mất khoảng từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ. Với các bạn trẻ thích khám phá thì leo núi Yên Tử luôn là một trải nghiệm thú vị.

Nếu không đủ sức lực leo nhiều bạn có thể lựa chọn đi cáp treo sẽ nhàn nhã và nhanh chóng hơn. Tuyến cáp treo Yên Tử có chiều dài khoảng 1,2 km, cao 450 mét. Tuy nhiên vào dịp Tết cũng sẽ khá đông và bạn vẫn sẽ phải leo bộ một đoạn đường để lên đến đỉnh chùa.

Khám phá đỉnh thiêng Yên Tử chắc chắn là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ dịp đầu xuân năm mới này. Bên cạnh đó, nơi đây cũng có vô vàn góc sống ảo với cảnh núi non hùng vĩ, đặc biệt là vào những ngày có nắng đẹp cùng những áng mây bay lững lờ trên đỉnh núi tạo ra một "background" chụp hình "có một không hai".

Chùa Cái Bầu (Quảng Ninh)

Chùa Cái Bầu Quảng Ninh cũng là một trong những điểm du lịch tâm linh hàng đầu đáng để trải nghiệm tại vùng đất mỏ. Chùa Cái Bầu hay còn gọi là Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm tọa lạc trên Bãi Dài của huyện Vân Đồn và cách trung tâm thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) khoảng 65km.

Dù mới lập vào năm 2009 nhưng ngôi chùa này hiện đã thu hút rất nhiều du khách từ mọi miền Tổ quốc. Chùa được đầu tư xây dựng trên diện tích khoảng 20 ha. Với lợi thế vị trí đắc địa, mặt trước hướng biển mênh mông, xa thẳm mặt sau tựa núi đồ sộ và nằm cách xa khu dân cư nên chùa càng mang vẻ thanh tịnh, uy nghiêm. Từ độ cao gần 100m trên sân Thiền viện, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa nhìn ngắm vịnh Bái Tử Long với núi đá chập chùng.

Cứ vào khoảng tháng 1 đến tháng 3 âm lịch hàng năm, không khí lễ hội ở chùa Cái Bầu rất sôi nổi, nhiều du khách thập phương đến tham quan trẩy hội.

Chùa Tam Chúc (Hà Nam)

Tam Chúc là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, nằm tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km. Đây là một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút rất nhiều khách đến tham quan, hành hương để xin tài lộc.

Chùa Tam Chúc có vị trí rất đặc biệt, với mặt hướng hồ Lục Ngạn, lưng tựa núi Thất Tinh. Toàn thể Tam Chúc được bao quanh bởi những vùng núi đá vôi hùng vĩ khiến nơi đây lại càng trở nên trác tuyệt. Bởi vậy mỗi năm nhất là vào dịp Tết đến xuân về, Tam Chúc đón hàng nghìn du khách đến đây chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên non nước hữu tình và cầu may mắn, bình an.

Quần thể du lịch tâm linh chùa Tam Chúc rất rộng lớn, được chia làm 4 khu là Khu tiếp đón, Khu tâm linh và Khu trải nghiệm và Khu bảo tồn thiên nhiên. Cũng như các địa điểm tâm linh khác thời gian lý tưởng để đi vãn cảnh chùa Tam Chúc đẹp nhất là vào mùa thu và mùa xuân bởi khí hậu mát mẻ. Do đó, dịp Tết Nguyên đán 2024 này, chùa Tam Chúc là một địa điểm không nên bỏ lỡ.

Địa Tạng Phi Lai Tự (Hà Nam)

Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự có tên tiếng Nôm là chùa Đùng tọa lạc ở thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Ngôi chùa với mái ngói rêu phong nằm ẩn mình trong rừng thông ngút ngàn, được rất nhiều du khách tìm đến như một điểm nhấn trong quần thể du lịch tâm linh ở Hà Nam.

Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đặt chân đến chốn linh thiêng này là phần sân và lối đi được trải sỏi màu trắng, thay vì lát gạch đỏ như những ngôi chùa khác. 12 vòng tròn trước khu Tổ đường vẽ trên nền sỏi biểu trưng cho 12 nhân duyên.

Từ chùa Địa Tạng Phi Lai Tự bạn cũng có thể leo núi, khám phá rừng già, hít thở bầu không khí trong lành và thả hồn mình phiêu theo mây gió. Chắc hẳn ai cũng sẽ cảm nhận được sự bình yên trong tâm hồn, lòng người như tĩnh lại giữa khung cảnh thanh vắng yên ả của một vùng non xanh nước biếc. Tọa độ này cũng là nơi cho ra đời vô vàn những bức ảnh chào đón năm mới đầy an nhiên, may mắn.

Chùa Bái Đính - Quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á (Ninh Bình)

Bái Đính được biết đến là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục Việt Nam và quốc tế như: tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, hành lang La Hán dài nhất châu Á, tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á…

Chùa Bái Đính tọa lạc trên một sườn núi, giữa lưng chừng thung lũng mênh mông hồ và núi đá. Nơi đây nằm ở cửa ngõ phía Tây vào cố đô Hoa Lư, lại gần ngay danh thắng Tràng An nổi tiếng. Với bốn bề phong cảnh đẹp hiếm có, Bái Đính ngày càng trở thành địa điểm được nhiều người lựa chọn nhất trong dịp Tết Nguyên Đán để du xuân, lễ Phật.

Từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch là thời điểm đẹp nhất để đi Bái Đính Tràng An. Tại thời điểm này, Bái Đính cũng diễn ra rất nhiều các lễ hội lớn. Đến đây, đi dọc trên khoảng sân vắng lặng, cảm nhận không gian yên tĩnh, tâm hồn ta bỗng trở nên nhẹ nhõm hơn để khởi đầu một năm mới đầy bình an, may mắn hơn.

Chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc)

Chùa Tây Thiên nằm trên vùng đất thiêng thuộc dãy Tam Đảo – Vĩnh Phúc. Đây là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam. Chùa Tây Thiên chính là 1 trong 3 thiền viện lớn nhất tại Việt Nam cùng với Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt và Trúc Lâm yên Tử. Nơi đây không chỉ là danh thắng mà còn là nơi hội tụ những giá trị Phật Giáo giá trị.

Cảnh sắc thiên nhiên ở chùa Tây Thiên cũng kỳ thú, thanh bình và ngoạn mục trong mọi khoảnh khắc. Du khách thập phương đến đây hành hương, cúng bái, cầu tài, cầu lộc. Với mỗi người, chuyến hành hương Tây Thiên hứa hẹn tràn ngập niềm hỷ lạc, an bình tự tại.

Đọc thêm