Lộ trình đã cận kề nhưng chưa có kế hoạch cụ thể…
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, để triển khai thực hiện có hiệu quả lộ trình, đảm bảo kịp tiến độ kể từ ngày 01/01/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh (SXKD) xăng E5 và xăng khoáng RON 95, Bộ Công Thương đã triển khai rất nhiều nội dung. Cụ thể như tăng cường theo dõi sát tình hình triển khai thực hiện lộ trình để chủ động có phương án, giải pháp ứng phó kịp thời; đôn đốc các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung xăng sinh học cho thị trường...
Ngoài ra còn yêu cầu các DN trong hệ thống SXKD xăng dầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ và chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật để triển khai thực hiện sản xuất, kinh doanh xăng E5 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các DN đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý và các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên các địa phương đẩy mạnh thực hiện lộ trình để đảm bảo mục tiêu đã đề ra; hướng dẫn và chấn chỉnh việc tổ chức kinh doanh xăng E5 RON 92 tại các cửa hàng bán lẻ phù hợp...
Tuy nhiên, trao đổi với PLVN, nhiều đầu mối liên quan đến tiêu thụ và bán lẻ xăng dầu cho biết chưa có văn bản chính thức nào thông báo về vấn đề này, hầu hết các trao đổi, ý kiến đều đưa ra các cuộc họp và chưa có tổng kết. Ông Nguyễn Á Phi, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực I cho biết, hiện Công ty vẫn đang chờ chủ trương rõ ràng và rành mạch về nguồn nguyên liệu và công nghệ phối trộn để chuẩn bị cho thay thế toàn bộ xăng A92. Ông Phi khẳng định: “Dù chủ trương đã có từ lâu nhưng hiện vẫn chưa có gì cụ thể”.
Câu hỏi được đặt ra, 6 tháng có đủ thời gian để các đầu mối triển khai cho chủ trương lớn này? Nhiều đại diện các đại lý xăng dầu đều khẳng định, để chuẩn bị cho bán xăng E5 thay thế cho toàn bộ xăng A92 cần thời gian và tiền bạc đầu tư cơ sở vật chất. “Nếu chủ trương lớn thì vấn đề chi phí đầu tư có lẽ không có gì có khăn”, ông Phi bày tỏ. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là lựa chọn công nghệ như thế nào.
Theo ông Phi, do đặc tính của E5 là để lâu ngậm nước, sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng xăng và gây hỏng hóc phương tiện nên chọn công nghệ phối trộn nào để pha xăng E5 là một vấn đề lớn. Hiện đang có 2 công nghệ là phối tại bồn (in tank) và phối tươi (phối trộn và bơm thẳng vào xe, gọi là in line).
Ông Phi phân tích, nếu chọn phương án phối tại bồn thì số tiền đầu tư sẽ ít hơn nhưng lại lo dồn ứ lâu ngày, ảnh hưởng đến chất lượng xăng, gây hỏng phương tiện. Còn nếu dùng phương pháp phối trộn tươi thì phải đầu tư bộ vòi, mỗi vòi có giá khoảng 2 tỷ đồng. Với mức tiêu thị tại Công ty Xăng dầu Khu vực I thì cần đầu tư 8-9 vòi. Nếu đầu tư tất cả các trạm cấp tươi thì số tiền đầu tư khá lớn, khi phải đầu tư 9 trạm trộn với giá mỗi trạm khoảng 12-13 tỷ đồng. “Như vậy sẽ là một khoản đầu tư khá lớn đối với mỗi Công ty. Tuy nhiên, chúng ta cần chọn cách đầu tư nào tác động đến giá cả ít nhất để cố gắng giảm giá thành xăng E5, mới hy vọng được người tiêu dùng đón nhận” - ông Phi bày tỏ.
Ông Phi cũng cho biết, Công ty đã họp liên tục từ tháng 4/2017 để lựa chọn công nghệ thích hợp mà đến thời điểm này vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi đó, theo tính toán của nhiều nguồn, kể từ khi quyết định lựa chọn công nghệ pha trộn nào cho phối trộn xăng E5 phải mất từ 3-5 tháng mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Cần bao nhiêu xăng E5 phục vụ thị trường?
Số liệu cho thấy, hiện nay, trên cả nước có 29 công ty đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên chỉ mới có 3 đơn vị thực hiện việc phối trộn xăng sinh học E5 là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Petrolimex và Saigon Petro. Hiện nay, trên cả nước có 4 tỉnh (gồm Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ) đạt tỷ lệ 100% bán xăng E5. Tuy nhiên, mở rộng ở khắp 63 tỉnh, thành triển khai bán xăng E5 thì số lượng xăng E5 đưa ra thị trường sẽ ở mức cực lớn.
Tin từ Công ty Xăng dầu Khu vực I cho biết, mỗi tháng Công ty tiêu thụ khoảng 12.000-15.000m3/tháng loại xăng E5, 60.000m3/tháng loại xăng A92. Như vậy, nếu thay thế toàn bộ A92 bằng E5 thì số lượng xăng E5 của Công ty phải tăng đến 400-500%.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tổng lượng xăng E5 bán ra trên toàn bộ các địa phương trong cả nước từ tháng 12/2015-10/2016 là 630.876m3, chiếm khoảng 12,15% so với tổng lượng xăng A92. Xu thế sử dụng xăng E5 có chiều hướng tăng dần thể hiện ở lượng xăng E5 tiêu thụ đạt khoảng 50.000m3/tháng, chiếm 12,18% so với tổng lượng xăng khoáng A92. Số cửa hàng kinh doanh xăng dầu có bán xăng E5 đạt 1.283 cửa hàng chiếm 10,07% so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Trong khi đó, theo tính toán của một thành viên của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, tính sơ sơ, mỗi năm Việt Nam cung ứng ra thị trường khoảng 16-17 triệu tấn xăng (tương đương gần 23 triệu m3 xăng), một con số không hề nhỏ so với năng lực sản xuất và tiêu thụ xăng E5 vào thời điểm này. Như vậy, con số tính toán được đưa ra giữa 2 đơn vị nêu trên đã thấy có chênh lệch rất lớn.
Cụ thể, theo cung cấp của Bộ Công Thương, nếu số lượng xăng E5 tiêu thụ khoảng 50.000m3/tháng, chiếm 12,18% so với tổng lượng xăng khoáng A92 thì số lượng xăng khoáng A92 đã tiêu thụ khoảng 410.000m3/tháng, tương đương gần 5 triệu m3/năm. Liệu điều gì sẽ xảy ra nếu tính toán nêu trên của Bộ Công Thương sai? Liệu đây có phải căn cứ để Bộ Công Thương khẳng định, sẽ có đủ nhiên liệu ethanol để chuẩn bị cho lộ trình thay thế toàn bộ xăng A92? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trong các số báo sau.