Chuẩn bị để trình xét 'Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc' là di sản thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 6/7, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp trực tuyến với UBND tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, thông qua dự thảo hồ sơ "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
“Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” được kỳ vọng sẽ là Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
“Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” được kỳ vọng sẽ là Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.

​​Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới chủ trì tại điểm cầu Quảng Ninh. ​

​Tại tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành liên quan, đại diện thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn.

Thời gian qua, ​để triển khai xây dựng hồ sơ khoa học "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc" tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang ​đã phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức hội nghị xin ý kiến tham gia của các huyện, thị xã, thành phố có di sản, Ban Quản lý các di tích, các phòng, ban trực thuộc...

Trong các ngày 24-25/6/2023, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 3 tỉnh đã phối hợp đánh giá kết quả xây dựng hồ sơ và bảo vệ hồ sơ trước Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tại Hà Nội.

Về kết quả xây dựng hồ sơ đề cử dự thảo, đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ đã bám sát các hướng, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang để chỉnh sửa, bổ sung vào hồ sơ đề cử. Trong thời gian tới, các sở sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện hồ sơ đề cử bản thảo, kế hoạch quản lý di sản đề cử và các thành phần phụ lục theo đúng hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới 1972.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tham gia ý kiến tại cuộc họp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tham gia ý kiến tại cuộc họp

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cơ bản nhất trí với các nội dung do đơn vị tư vấn trình bày cũng như các ý kiến phát biểu tại cuộc họp. Đồng thời thống nhất các mốc thời gian để hoàn thiện hồ sơ theo kế hoạch của 3 tỉnh đã thông qua, bảo đảm trước ngày 31/12 có 1 bộ hồ sơ hoàn chỉnh trình UNESCO Paris.​

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh Hải Dương nhất trí với mô hình quản lý di sản do đơn vị tư vấn trình bày. Trong thời gian tới, UBND tỉnh Hải Dương sẽ từng bước kiện toàn công tác quản lý di sản trên địa bàn tỉnh trong đó có việc đưa di tích chùa Thanh Mai hiện thuộc Ban Quản lý di tích thành phố Chí Linh về Ban Quản lý Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch 3 tỉnh và các sở, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để hoàn thiện Hồ sơ theo đúng tiến độ đề ra. Bên cạnh đó Sở Nội vụ của 3 tỉnh cũng nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Hội đồng điều hành quản lý di sản trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, tỉnh sẽ giao các sở, ngành, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh trong việc hoàn thiện hồ sơ, từng bước kiện toàn công tác quản lý di sản. Đồng thời giao UBND thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn là các địa phương có các di tích trong phạm vi xây dựng Hồ sơ tập trung chỉ đạo và chủ động bố trí kinh phí cho công tác chỉnh trang cảnh quan, môi trường, không gian di tích, hạ tầng kỹ thuật, các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, bài trí thờ tự tại di tích, biển, bảng hướng dẫn, quảng bá, giới thiệu di tích bằng song ngữ Anh - Việt đảm bảo hoàn thiện hồ sơ theo đúng tiến độ đề ra.

​Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá cao sự nỗ lực, phối hợp của UBND 3 tỉnh và đơn vị tư vấn trong thời gian qua đã xây dựng bộ hồ sơ đảm bảo chất lượng. Thứ trưởng cũng lưu ý một số mốc thời gian cần thực hiện đảm bảo theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra, cụ thể là trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước 30/7, để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin ý kiến các bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ gửi hồ sơ đề cử tới UNESCO trước ngày 30/9, hoàn thiện hồ sơ kết thúc ngày 30/12/2023, nộp hồ sơ ngày 1/2/2024.

Về thành phần hồ sơ đề cử và kế hoạch quản lý, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thống nhất các ý kiến của các thành viên và yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến tại cuộc họp để đưa vào hồ sơ. Hồ sơ đề cử cần có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương với đơn vị tư vấn.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhất trí với đề xuất của tỉnh Hải Dương về việc kiện toàn đơn vị quản lý di tích và đề nghị UBND các tỉnh tập trung cao độ để hoàn thiện hồ sơ chính xác, đầy đủ, bảo đảm đúng các mốc thời gian đã đề ra​.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của nhà Trần và thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam. Việc xây dựng Hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) - Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương), gọi tắt là Hồ sơ Yên Tử, là hồ sơ di sản đầu tiên trong cả nước, xây dựng đệ trình UNESCO có phạm vi triển khai trên địa bàn 3 tỉnh, được kỳ vọng sẽ là Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.