Chuẩn bị đón du khách Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước dịch, ước tính khách Trung Quốc chiếm tới 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam và sự mở cửa trở lại của thị trường du khách này sau gần 3 năm “ngủ đông” là tín hiệu tích cực. Dù vậy, bối cảnh mới đòi hỏi ngành Du lịch Việt Nam cần có các giải pháp cấp bách để sớm thu hút được dòng khách này một cách bền vững.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng

Trung Quốc là nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch vào năm 2019, 155 triệu du khách của nước này đã chi hơn 25.000 tỷ USD tại nước ngoài. Theo các nhà phân tích, xu hướng “du lịch trả thù” của người Trung Quốc sau khi nước này chính thức mở cửa du lịch từ ngày 8/1 sẽ góp phần thúc đẩy các nền kinh tế trên toàn cầu.

Theo thống kê của trang web du lịch Trung Quốc Trip.com, lượng đặt chỗ của khách Trung Quốc cho các chuyến du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới (từ 21 - 27/1/2023) đã tăng 540% so với năm trước, với chi tiêu trung bình cho mỗi lần đặt phòng đã tăng 32%. Các điểm đến hàng đầu của họ có thể kể tới Australia, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Anh,…

Đối với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường du lịch quốc tế lớn nhất, cả về inbound (đón khách quốc tế vào) và outbound (đưa khách ra nước ngoài). Cụ thể, năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam) và số người dân Việt Nam đi du lịch Trung Quốc (đạt khoảng 4,5 triệu lượt) cũng đứng đầu danh sách khách outbound của Việt Nam.

Ngay sau khi nhận được thư của Cục Hàng không Trung Quốc (CAAC) thông báo về việc Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế thường lệ đến nước này, Cục Hàng không Việt Nam đã có công văn gửi đến các hãng hàng không Việt Nam thông báo về chính sách trên. Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines,… đã công bố mở lại những đường bay thường lệ tới Trung Quốc và nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng đón du khách Trung.

Tìm giải pháp bền vững với thị trường khách Trung

Mới đây, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị “Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam” nhằm tham vấn các ý kiến chuyên gia về vấn đề trên. Năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt 3,5 triệu lượt, tương ứng 70% kế hoạch. Thị trường du khách Trung Quốc được kỳ vọng là động lực thúc đẩy tốc độ phục hồi du lịch quốc tế tại Việt Nam trong năm 2023.

Trên thực tế, sau những năm “đóng băng” bởi dịch bệnh, nhiều thói quen và nhu cầu đi du lịch của du khách trên toàn thế giới đã thay đổi, trong đó khách du lịch Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Do đó, ngành Du lịch Việt Nam cần cân nhắc lại về việc xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... phù hợp với thị hiếu của nhóm đối tượng du khách này trong bối cảnh mới.

Để chuẩn bị đón khách Trung Quốc một cách bền vững, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các địa phương, doanh nghiệp lưu ý, trong bối cảnh có thể có nhiều biến chủng COVID-19 mới, cần có những biện pháp vừa đón, phục vụ khách du lịch được chu đáo, cung cấp dịch vụ đa dạng, chất lượng, vừa phải đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh.

Ông Khánh cũng nhấn mạnh cần phải đánh giá và xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của du khách Trung Quốc sau đại dịch. Mặt khác, hoạt động kết nối thị trường, xúc tiến, quảng bá cần được đẩy mạnh hơn nữa; đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin chủ động tiếp cận thị trường Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến ở nước này như weibo, douyin, xigua... Bên cạnh đó, cần sớm lên phương án, kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ khách du lịch Trung Quốc.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng cho rằng, để đón tiếp hiệu quả, an toàn đối với khách du lịch Trung Quốc cần có sự chuẩn bị chu đáo. “Việc đầu tiên ngành Du lịch phải triển khai là đưa ra các giải pháp cấp bách để sớm thu hút được khách du lịch Trung Quốc. Đồng thời phải ban hành các quy chế chặt chẽ về quản lý hoạt động này, đảm bảo kết quả kinh doanh tốt nhất, chấn chỉnh các hành động sai pháp luật trong phục vụ khách Trung Quốc, tạo ấn tượng tốt nhất đối với khách Trung Quốc để đảm bảo phát triển bền vững thị trường quan trọng này”.

Cũng theo ông Bình, cần phải xử lý triệt để những thực trạng bất cập khi khai thác thị trường khách Trung Quốc trước đây, ví như tour giá rẻ (tour 0 đồng), kinh doanh “núp bóng”, lừa đảo trong mua bán hàng hóa,… khiến khách Trung Quốc có ấn tượng xấu và phản ứng tiêu cực về du lịch Việt Nam.