Chuẩn bị thoái vốn tại nhiều Tổng Cty thuộc TKV: Cẩn trọng kẻo thất thoát tài sản nhà nước

(PLO) - Hàng loạt “Tổng” lớn của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ thoái vốn Nhà nước với giá trị hàng ngàn tỷ đồng trong thời gian tới và nếu không cẩn trọng thì nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước rất dễ xảy ra.
VIMICO là doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong kinh doanh khi được khai thác nhiều mỏ quặng khoáng sản quốc gia (ảnh minh họa)
VIMICO là doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong kinh doanh khi được khai thác nhiều mỏ quặng khoáng sản quốc gia (ảnh minh họa)

Nhiều “đại gia” sắp thoái vốn

Gần đây, TKV tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư tại một số Tổng Cty lớn thuộc Tập đoàn này. Theo đó, thời gian tới sẽ có nhiều “Tổng” giữ vai trò trụ cột của TKV sẽ thoái vốn Nhà nước, tiếp tục các bước cổ phần hóa (CPH). Trong số này, một số doanh nghiệp (DN) đáng chú ý như Tổng Cty Điện lực TKV; Tổng Cty Khoáng sản TKV (VIMICO); Tổng Cty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV (VVMI).

Từ nay đến cuối năm, TKV dự định bán khoảng 2.300 tỷ vốn cổ phần tại Tổng Cty Điện lực TKV. Hiện vốn điều lệ tại Tổng Cty này là 6.800 tỷ đồng, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ 99,68%. Sau thoái vốn, Nhà nước còn giữ 65% vốn. Như vậy, số cổ phần sẽ thoái tương đương 2.358 tỷ đồng.

Từ chỗ là DN 100% vốn Nhà nước, năm 2016, Tổng Cty Điện lực TKV bắt đầu CPH, tuy nhiên số vốn tư nhân tham gia chiếm tỷ lệ không đáng kể (0,32%). Hiện “Tổng” này sở hữu 7 nhà máy điện, 2 công ty con với tổng công suất gần 2.000 MW. Ngoài ra, đơn vị này còn góp vốn vào 3 nhà máy điện khác có tổng công suất 3.600 MW, tỷ lệ nắm giữ từ 5%- 10%. Quy mô của Tổng Cty Điện lực TKV khá lớn, tổng sản lượng điện một năm đạt khoảng 9,3 – 9,5 tỷ KWh.

Hiện Tổng Cty Điện lực TKV đang đầu tư Nhà máy nhiệt điện Na Dương 2, công suất 110MW, dự kiến năm 2020 sẽ vận hành. Tuy là DN lớn, doanh thu “khủng” nhưng năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của Tổng Cty Điện lực TKV chỉ đạt 244 tỷ đồng. Sang năm 2017 tình hình  kinh doanh của đơn vị này khả quan hơn khi 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế đạt 261 tỷ đồng.

Cuối tháng 9 vừa qua, TKV cũng giới thiệu cơ hội đầu tư vào VIMICO và VVMI. VIMICO là “đại gia” khai khoáng ở Việt Nam khi đang khai thác nhiều mỏ kim loại khác nhau như vàng, bạc, đồng, sắt, thiếc, chì, kẽm… VIMICO cũng là đơn vị độc quyền khai thác mỏ đồng lớn nhất Việt Nam - mỏ Sin Quyền (Lào Cai), trữ lượng khoảng 17,3 triệu tấn quặng. Nửa đầu năm nay, doanh thu đơn vị này hơn 2.500 tỷ; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt khoảng 100 tỷ (nửa đầu năm 2016, đơn vị này báo lỗ 45 tỷ). Cả năm 2017, VIMICO đặt mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ, lãi 250 tỷ.

Liệu có thất thoát tài nguyên quốc gia?

Hiện TKV là cổ đông lớn nhất của VIMICO với 98,06%. Thời gian tới, Tập đoàn này sẽ thoái 33,06% số vốn tại VIMICO, tương đương 66.117.900 cổ phần. Như vậy, sau thoái vốn Nhà nước sẽ còn giữ 65%.

Trong khi đó, tỷ lệ thoái vốn của VVMI là 33,19%, tương ứng với 34.849.500 cổ phần. Tỷ lệ vốn sở hữu Nhà nước sau khi thoái vốn cũng là 65%. VVMI với hơn 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ, đã tiến hành cổ phần hóa từ năm 2015, nhưng tỷ lệ vốn tư nhân tham gia không đáng kể. Đơn vị này hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực như khai thác chế biến than, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, cơ khí và kim loại tổng hợp. VVMI khai thác và kinh doanh than tại mỏ than Na Dương, mỏ Khánh Hòa, mỏ Núi Hồng thuộc địa bàn Lạng Sơn và Thái Nguyên - chiếm 2/3 trữ lượng than thềm nội địa Việt Nam. Nửa đầu năm nay, mặc dù doanh thu hơn 930 tỷ nhưng lợi nhuận trước thuế của đơn vị này chỉ khoảng 40 tỷ đồng (giai đoạn này năm 2016 còn tệ hơn, đạt hơn 11 tỷ đồng).

Các DN trên có lợi thế kinh doanh khi được sử dụng tài nguyên khoáng sản quốc gia làm nguyên liệu sản xuất kinh doanh. Điển hình nhất là VIMICO, được khai thác nhiều quặng kim loại như vàng, bạc, đồng… Thế nhưng, nhìn vào kết quả kinh doanh, nhiều người không khỏi thất vọng bởi chỉ cần đào tài nguyên khoáng sản lên để sản xuất kinh doanh thì những DN này phải lãi lớn, nộp ngân sách lớn, thế nhưng thực tế các DN này chỉ lãi mỗi năm từ chục tỷ đến vài trăm tỷ; chưa kể có giai đoạn còn thua lỗ.

Ngoài ra, việc xác định giá trị DN đối với những đơn vị chỉ “múc” tài nguyên khoáng sản quốc gia lên để bán khá nhạy cảm, nếu không được thực hiện khách quan, thẩm định chi tiết sẽ rất dễ khiến tài sản quốc gia bị thất thoát khi quá trình CPH diễn ra. Xác định giá trị DN trước khi cổ phần hóa là khâu mấu chốt, quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tài sản Nhà nước có bị thất thoát hay không.

Đối với DN khai thác, kinh doanh khoáng sản như VIMICO, VVMI, việc đánh giá giá trị lợi thế kinh doanh là điều rất quan trọng để định giá giá trị DN. Nếu việc định giá này được thực hiện qua loa, hình thức sẽ dễ nảy sinh lợi ích nhóm sau khi CPH, dẫn đếnthất thoát lớn tài nguyên quốc gia.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin về quá trình CPH, thoái vốn Nhà nước tại các đơn vị trên đến bạn đọc. 

Đọc thêm