Các trường tự chủ trong khuôn khổ pháp lý
Nhiều ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư ban hành Chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) đối với các trình độ của giáo dục đại học (GDĐH) đã được ghi nhận qua các buổi tọa đàm gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, phân tích: Hiện nay, các cơ sở GDĐH đã được tự chủ trong việc xây dựng, thực hiện và đánh giá CTĐT. Tuy nhiên, tự chủ trong khuôn khổ pháp lý chứ không phải “muốn làm gì thì làm”.
“Phương thức quản lý theo kiểu cầm tay chỉ việc phải xóa bỏ. Quản lý nhà nước cần thể hiện qua các văn bản, chuẩn chương trình, trên cơ sở chuẩn tối thiểu đó thì mới công nhận triển khai tự chủ cho các trường. Nên nhớ, đại học tự chủ chứ không “tự trị”, TS Lê Viết Khuyến khẳng định.
Theo đó, đề xuất ban đầu chuẩn bị xây dựng chuẩn CTĐT cho 10 nhóm ngành phổ biến. Đó là: Máy tính và công nghệ thông tin; Nông, lâm nghiệp và thủy sản, Sản xuất và chế biến, Thú y; Kiến trúc và xây dựng; Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật; Môi trường và bảo vệ môi trường, Dịch vụ vận tải; Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi; Báo chí và thông tin, Pháp luật; Kinh doanh và quản lý; Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Toán và thống kê.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH lý giải, bài toán đào tạo nguồn nhân lực ngày nay đặt ra yêu cầu bắt buộc là phải hội nhập để nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng và tồn tại, để sinh viên ra trường có thể tìm kiếm cơ hội việc làm ở trong nước và khu vực.
Bà Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, Dự thảo Thông tư đầy đủ, toàn diện, có đánh giá tác động, đáp ứng mong muốn của các cơ sở đào tạo. Chuẩn CTĐT sẽ giúp xóa bỏ được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi một số cơ sở/CTĐT chưa đạt chuẩn vẫn có chỉ tiêu tuyển sinh.
Bà Quế Anh cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam có khoảng 80 cơ sở đào tạo luật. Mạng lưới trường đại học đào tạo ngành luật đang được gây dựng, kết nối và sẽ chú trọng đến vấn đề chuẩn CTĐT trong các sinh hoạt chuyên môn. Liên quan đến chuẩn đầu ra, bà Quế Anh góp ý, không nên xác định quá nhiều chuẩn đầu ra, chỉ cần tập trung vào một số nhóm chuẩn tối thiểu như kiến thức, kỹ năng, thái độ…
Nhóm khối trường Sư phạm khẳng định sự cần thiết của chuẩn CTĐT trong việc tạo tiếng nói chung và tiếng nói pháp lý mạnh mẽ hơn đối với các trường đào tạo giáo viên. Đồng thời cho rằng, chuẩn CTĐT không nên quá sâu, vì có thể không theo kịp sự vận động liên tục của thực tiễn.
Mức độ của chuẩn CTĐT chỉ cần dừng ở nhóm ngành đào tạo giáo viên chứ không nên đi vào môn học. Bên cạnh đó, tham gia xây dựng chuẩn CTĐT cần có 8 trường đại học chủ chốt đang đào tạo giáo viên.
Mấu chốt vấn đề là gì?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng nhấn mạnh, hai yếu tố mấu chốt là cơ sở để xây dựng chuẩn CTĐT, giúp giải quyết tình trạng sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc và thị trường lao động không tìm được nhân sự phù hợp. Đó là, thực tiễn đất nước và thị trường lao động đối với vị trí việc làm.
Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng Khung trình độ quốc gia, hướng đến thúc đẩy công nhận lẫn nhau cũng như thúc đẩy dịch chuyển lao động trên thế giới.
Trong tiến trình hội nhập, Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khu vực và trên thế giới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Bà Thủy nhấn mạnh, với sự phát triển của khoa học - công nghệ, năng lực trình độ, chuẩn CTĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng chuẩn dần, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Theo PGS.TS Lê Đông Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, điều quan trọng nhất là cần xâu chuỗi, tạo hệ thống bài bản cho chuẩn CTĐT các trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. “Đây là cơ hội đặt lại vị trí các trình độ, thành công phụ thuộc rất nhiều vào chuyên gia đầu ngành và chủ sở hữu lao động”, PGS khẳng định.
Nhất trí quan điểm cần có tầm nhìn xuyên suốt giữa các trình độ, ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đề xuất, cần thành lập 12 Hội đồng tư vấn riêng cho 12 mã ngành trình độ đại học trong khối ngành Y Dược vì đặc thù mỗi ngành khác nhau.
Ông Tác cho biết thêm, sắp tới sẽ có kỳ thi tuyển cấp chứng chỉ nghề theo năng lực, để thêm “hàng rào” kiểm soát chất lượng. Theo đó, sau này, sẽ có hai “cửa” để kiểm soát chất lượng y, bác sĩ, đó là chuẩn CTĐT và chứng chỉ hành nghề của Bộ Y tế.
Do những đặc thù, nghiệp vụ riêng, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề nghị cần có cơ chế, hướng dẫn mang tính đặc thù. Và điều quan trọng, chuẩn ấy không thể “đứng một mình”, không thể “không giống ai”. Đó là mục tiêu phấn đấu, nhưng không thể đạt tới trong một sớm một chiều.
Đại học ứng dụng thì sinh viên hoàn toàn có thể hoàn thành chương trình đại học trong 3 năm, như quốc tế đã làm. Và khi ra trường, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn ngành nghề phù hợp. Đó mới là mục đích phổ biến của GDĐH.
Lựa chọn ngành nghề theo sở thích bản thân
Từ ngày 15-30/6, thí sinh làm hồ sơ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học. PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, một số học sinh đang chọn ngành học, chọn nghề tương lai theo cảm quan, chỉ dựa vào năng lực học tập, theo trào lưu, vì lí do kinh tế hoặc nghề được xã hội trọng vọng… Ngoài ra, việc dành ít thời gian để tìm hiểu, tư tưởng học gì cũng được miễn là vào được đại học cũng khiến học sinh sai lầm.
Theo ông Nam, một người chọn sai ngành học sẽ không phát huy được hết năng lực, tố chất của mình trong học tập và công việc, giảm năng suất và hiệu quả lao động. Từ đó, sẽ gây tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin và mất đi động lực.
Một số nguyên tắc để chọn ngành nghề mà học sinh cần chú ý như chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân. Không nên chọn nghề mà bản thân không có đủ điều kiện đáp ứng như về sở thích, tính cách, năng lực. Mỗi em chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân và chọn được nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.
Ngoài những định hướng trên, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng các bạn trẻ có thể sử dụng các trắc nghiệm đã được chứng minh có hiệu quả bằng các công bố khoa học kết hợp tư vấn trực tiếp của các chuyên gia tư vấn…