Vì vậy, Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) sửa đổi đã nghiên cứu chuẩn hóa tiêu chuẩn người thực hiện TGPL nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL.
Quy định chặt tiêu chuẩn, điều kiện người thực hiện trợ giúp pháp lý
Phó trưởng Phòng Chính sách và quản lý nghiệp vụ (Cục TGPL, Bộ Tư pháp) Phan Thị Thu Hà cho biết, theo Dự thảo Luật TGPL (sửa đổi), người thực hiện TGPL gồm trợ giúp viên pháp lý; luật sư (LS) thực hiện TGPL theo hợp đồng với Trung tâm TGPL nhà nước; LS thực hiện TGPL theo phân công của tổ chức tham gia TGPL; tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia TGPL; cộng tác viên TGPL.
Một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật lần này là nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, do vậy, tiêu chuẩn người thực hiện TGPL đã được nghiên cứu chuẩn hóa, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Theo đó, về tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý, so với quy định hiện hành (Luật TGPL năm 2006 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật TGPL năm 2006) Dự thảo Luật đã bổ sung 1 điểm mới về điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành Trợ giúp viên pháp lý, đó là yêu cầu phải qua tập sự hành nghề để có kỹ năng cần thiết (Điều 20).
Sở dĩ Dự thảo Luật đã bổ sung điều kiện này bởi lẽ trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm của người thực hiện TGPL là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất cho chất lượng dịch vụ.
Để đa dạng hóa người thực hiện TGPL, đa dạng hóa cách thức huy động LS tham gia thực hiện TGPL, Luật TGPL (sửa đổi) quy định 02 phương thức tham gia thực hiện TGPL của LS. Cụ thể, LS thực hiện TGPL theo hợp đồng cộng tác với Trung tâm TGPL nhà nước.
Đây là cơ chế linh hoạt nhằm tạo sự chủ động cho Nhà nước trong trường hợp số lượng vụ việc nhiều hoặc không lựa chọn được trợ giúp viên pháp lý phù hợp tại địa phương... Các LS này được ký hợp đồng thực hiện TGPL với các Trung tâm TGPL và thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng. Khi thực hiện TGPL, LS làm việc theo hợp đồng thực hiện TGPL được hưởng bồi dưỡng vụ việc theo quy định của Chính phủ. Phương thức thứ 2 là LS là thành viên của tổ chức tham gia TGPL thực hiện TGPL theo hợp đồng giữa Sở Tư pháp với tổ chức hành nghề LS, Trung tâm tư vấn pháp luật.
Đối với cộng tác viên TGPL, qua đánh giá của Bộ Tư pháp, đội ngũ cộng tác viên khác (không phải LS), không có kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật cộng tác không hiệu quả. Tuy nhiên, để đa dạng hóa các chủ thể thực hiện TGPL, huy động đội ngũ cán bộ có đủ kiến thức, kinh nghiệm pháp luật, thời gian, Dự thảo Luật đã được nghiên cứu kế thừa có chọn lọc chế định cộng tác viên TGPL. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí quy định thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành kiểm sát, chấp hành viên, thẩm tra viên ngành Thi hành án dân sự, chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan nhà nước, trợ giúp viên pháp lý đã nghỉ hưu được làm cộng tác viên TGPL. Cộng tác viên TGPL thực hiện bằng hình thức tư vấn pháp luật và được hưởng thù lao thực hiện vụ việc. Việc quy định tiêu chuẩn, điều kiện làm cộng tác viên khá chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ TGPL cũng như tránh tình trạng ký hợp đồng tràn lan, lãng phí thời gian của cơ quan quản lý.
Không mở rộng cộng tác viên nhưng đừng hạn chế luật sư
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII Đặng Đình Luyến cho rằng Luật này điều chỉnh về hoạt động TGPL với 3 hình thức hoạt động TGPL (tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng) mà không trợ giúp, tư vấn các vấn đề khác. Đối với những người đang công tác do phải thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao nên cũng khó có điều kiện thời gian tham gia TGPL. Bởi vậy, ông Luyến tán thành với quy định của Dự thảo Luật là không nên mở rộng cộng tác viên đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp…, không tư vấn về các vấn đề thuộc các lĩnh vực khác.
Nguyên Cục trưởng Cục TGPL Trần Huy Liệu thì chỉ ra điểm b khoản 1 Điều 19 quy định: “LS thực hiện TGPL theo hợp đồng với Trung tâm TGPL nhà nước”, trong khi Điều 25 Dự thảo Luật không quy định LS được làm cộng tác viên TGPL, gây ra mâu thuẫn và chưa đồng bộ với Luật LS, không có tính khả thi và hạn chế LS tham gia thực hiện TGPL.
Ông Liệu phân tích, theo pháp luật về LS thì LS được hành nghề tại công ty luật và văn phòng LS không được ký hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý với một cơ quan, tổ chức khác, trừ trường hợp LS hành nghề với tư cách cá nhân mới được ký hợp đồng lao động với cơ quan, tổ chức khác và được nhận lương và chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó.
Vì thế, để LS có điều kiện tham gia TGPL, ký hợp đồng cộng tác với Trung tâm TGPL, ông Liệu đề nghị kế thừa chế định cộng tác viên TGPL theo Luật TGPL năm 2006. Nếu không sẽ chỉ còn có LS hành nghề cá nhân ký hợp đồng lao động với Trung tâm TGPL, nhưng số LS này rất ít về số lượng và phần lớn còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và thực tiễn cho thấy chưa có LS nào ký hợp đồng làm việc thường xuyên cho Trung tâm.
Liên quan đến tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý, ông Liệu đề nghị bổ sung thêm điều kiện: “Hoặc được miễn tập sự LS, tập sự TGPL” vào sau đoạn “đã qua kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS hoặc tập sự TGPL” cho thống nhất với quy định về miễn, giảm thời gian tập sự và thủ tục bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý.