Tại Hội thảo “Thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS tại Việt Nam” do Bộ Tài chính phối hợp với JICA tổ chức mới đây, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán Kiểm toán (Bộ Tài chính) ví von Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) “như bản xét nghiệm máu của vài năm trước nhưng lại dùng để đánh giá sức khỏe hiện tại”.
Được ban hành cách đây 14 năm, mặc dù đã có 26 chuẩn mực, trong đó có chọn lọc các quy định theo chuẩn mực quốc tế nhưng so với chuẩn mực quốc tế, VAS còn thiếu khoảng 17 chuẩn mực như chuẩn mực về nông nghiệp, thăm dò khai thác tài nguyên khoáng sản, về tổn thất tài sản, giá trị hợp lý...
Không theo chuẩn quốc tế khiến báo cáo tài chính (BCTC) của DN hoặc không đầy đủ, hoặc thiếu chính xác, hoặc dù có đầy đủ và viết cả bằng tiếng Anh thì nhà đầu tư nước ngoài đọc cũng không hiểu, còn DN thì luôn gặp khó trong công tác kế toán.
Đơn cử như nhiều tài sản nhanh chóng lạc hậu do thay đổi công nghệ nhưng chưa được ghi nhận tổn thất khiến tài sản bị đánh giá cao hơn giá trị có thể thu hồi làm giảm khả năng bảo toàn vốn. VAS chưa có hướng dẫn, yêu cầu cụ thể về thuyết minh các thông tin rủi ro mà DN có thể gặp phải, từ đó có thể gây ảnh hưởng đến việc ra quyết định kinh tế của các nhà đầu tư. Do chưa ban hành một số chuẩn mực kế toán nên không ít giao dịch của nền kinh tế thị trường chưa có căn cứ để ghi nhận, như các giao dịch thanh toán bằng cổ phiếu, ghi nhận tổn thất tài sản…
Nếu áp dụng IFRS, chất lượng BCTC của DN sẽ được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người sử dụng báo cáo để đưa ra các quyết định quản lý, điều hành, đầu tư; BCTC của DN Việt Nam có thể so sánh được với các DN khác trên thế giới, giúp người sử dụng BCTC có thể so sánh tình hình và kết quả tài chính của các DN giữa các quốc gia khác nhau một cách dễ dàng hơn, giúp các DN Việt Nam có cơ hội thuận lợi hơn trong việc huy động vốn trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, việc áp dụng IFRS còn thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán tài chính, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu lao động có chuyên môn hoặc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới của các DN Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút FDI, giảm bớt chi phí cho các DN FDI; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đàm phán quốc tế về kinh tế, tài chính...
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc áp dụng IFRS không dễ khi thị trường vốn, thị trường tài chính trong nước chưa phát triển đủ mạnh, một số công cụ tài chính như trái phiếu chuyển đổi, công cụ phái sinh, cổ phiếu ưu đãi chưa được giao dịch rộng rãi nên hầu hết các DN chưa có kinh nghiệm trong việc thực hiện giao dịch và hạch toán các nội dung kinh tế liên quan do đó không phải lúc nào cũng có thể cung cấp thông tin về giá trị hợp lý một cách đáng tin cậy.
Ngoài ra, một số DN (trong đó có DN Nhà nước) khó có thể áp dụng và đáp ứng yêu cầu của IFRS khi nhiều DN Nhà nước là công ty mẹ của các đơn vị có lợi ích công chúng; Thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm trong việc thực hành IFRS, đại bộ phận kế toán viên đều chưa được đào tạo về IFRS nên sự sẵn sàng áp dụng còn hạn chế, nhiều DN có tâm lý ngại thay đổi. IFRS yêu cầu một số kỹ thuật phức tạp và thực hiện nhiều đánh giá, ngôn ngữ cũng là một rào cản lớn, nhất là IFRS cần phải được dịch nguyên mẫu từ tiếng Anh sang tiếng Việt...
Theo thống kê của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), tính đến nay đã có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm tỷ lệ 93% các nước được IASB khảo sát) đã tuyên bố về việc cho phép áp dụng IFRS. Ở Châu Âu, 31 nước thành viên và 5 vùng lãnh thổ đã áp dụng toàn bộ IFRS. Việt Nam hiện nay là một trong số ít các quốc gia chưa có tuyên bố về việc áp dụng IFRS.
“Để phát triển kinh tế xã hội bền vững, bao trùm thì yêu cầu minh bạch hóa, từng bước thực hiện IFRS với BCTC là cần thiết. Chính phủ cũng đã quyết năm 2019 Bộ Tài chính phải trình Chính phủ đề án thực hiện IFRS tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã thành lập ban chỉ đạo soạn thảo và ban biên tập đề án về lộ trình và kế hoạch thực hiện IFRS. Dự thảo đề án đã được tham vấn các tổ chức quốc tế, đã "cơ bản thống nhất trong Bộ Tài chính", đang làm thủ tục để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, đơn vị liên quan.
Theo kinh nghiệm quốc tế về lộ trình thực hiện, hiệu lực áp dụng chuẩn mực IFRS tại quốc gia mình là từ 2-3 năm sau khi công bố bản dịch chuẩn mực hoặc công bố lộ trình áp dụng IFRS để các DN tại quốc gia đó có thời gian chuẩn bị...