Chúng con về với Bác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đã tìm về quảng trường Hồ Chí Minh và Khu di tích Kim Liên ở Nghệ An. Họ không chỉ đến để chụp ảnh kỷ niệm, mà còn để sống lại ký ức về một thời hào hùng, để hiểu hơn về cội nguồn dân tộc và để gửi lời tri ân tới Bác Hồ kính yêu.
Nhiều bạn trẻ chọn tới quảng trường chụp ảnh để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ, nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Thiên Ý
Nhiều bạn trẻ chọn tới quảng trường chụp ảnh để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ, nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Thiên Ý

Không chỉ là chụp ảnh, đó là một cách thể hiện lòng biết ơn

Vào những ngày cuối tháng Tư, không khí tại Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh, Nghệ An) rộn ràng hơn thường lệ. Hòa trong tiếng nhạc cách mạng vang lên từ hệ thống loa phát thanh là những tà áo dài, sắc đỏ của cờ Tổ quốc và gương mặt trẻ trung hiện diện khắp khuôn viên tượng đài.

Nhiều bạn trẻ ở thành phố Vinh và các vùng lân cận đã chọn quảng trường không chỉ để chụp hình, mà còn để thể hiện lòng tri ân theo cách rất riêng của họ.

Nguyễn Thị Thu Uyên (30 tuổi, trú tại thành phố Vinh) chia sẻ: “Tôi chọn đến đây để chụp ảnh lưu giữ một khoảnh khắc ý nghĩa. Ngày 30/4 không chỉ là ngày nghỉ lễ, mà là dịp để nhìn lại những công lao to lớn của thế hệ đi trước đã hy sinh giành lấy. Tôi cảm thấy biết ơn vì mình được sống trong một đất nước hòa bình và mong muốn ghi lại sự biết ơn đó theo cách của riêng mình”.

Người dân chụp ảnh kỷ niệm cạnh tượng đài Bác Hồ. Ảnh: Thiên Ý

Người dân chụp ảnh kỷ niệm cạnh tượng đài Bác Hồ. Ảnh: Thiên Ý

Cùng nhóm với Uyên là Nguyễn Trần Phương Anh (25 tuổi, trú huyện Hưng Nguyên). Cô gái trẻ mang theo lòng thành kính và một chút bồi hồi khi lần đầu đứng trước tượng đài Bác Hồ trong dịp lễ lớn.

“Bọn mình không đến để “sống ảo”. Đứng dưới chân tượng đài Bác Hồ, mình thấy tự hào và cũng có chút lặng đi. Mình nghĩ ai trẻ cũng nên một lần đến đây, không để giải trí, mà để cảm nhận sự thiêng liêng của lịch sử”, Phương Anh bày tỏ.

Nguyễn Thị Thu Uyên (bên trái) và Nguyễn Trần Phương Anh chụp ảnh kỷ niệm tại quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh). Ảnh: Thiên Ý

Nguyễn Thị Thu Uyên (bên trái) và Nguyễn Trần Phương Anh chụp ảnh kỷ niệm tại quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh). Ảnh: Thiên Ý

Cũng là người con xứ Nghệ, chị Phạm Phương Thảo (32 tuổi, trú tại thành phố Vinh) chọn cách lưu giữ ký ức ngày 30/4 cùng bạn bè thân thiết tại nơi biểu tượng của quê hương.

“Tôi chọn địa điểm này vì đây là nơi mang tính biểu tượng của tỉnh nhà. Việc chụp một bức ảnh ở đây ngày 30/4 là cách để tôi nói lời cảm ơn và tri ân sâu sắc đến Bác Hồ kính yêu và những thế hệ đi trước”, chị Thảo nói.

Với Nguyễn Thị Hoa Mai (26 tuổi, quê Hà Tĩnh), mỗi lần quay lại quảng trường đều là một trải nghiệm mới mẻ, nhất là trong dịp kỷ niệm trọng đại như năm nay: “Tôi từng đến đây vài lần, nhưng mỗi lần quay lại vào dịp 30/4 lại có cảm xúc khác. Năm nay là tròn 50 năm ngày thống nhất, nên tôi muốn ghi lại một dấu ấn cá nhân. Tôi nghĩ mỗi người trẻ đều nên có một cách riêng để gắn kết với lịch sử, từ việc đọc sách, nghe chuyện ông bà, đến việc đứng ở quảng trường này và tự hỏi: mình có đang sống xứng đáng không?”.

Chị Nguyễn Thị Hoa Mai rạng rỡ chụp ảnh tại quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh: Thiên Ý

Chị Nguyễn Thị Hoa Mai rạng rỡ chụp ảnh tại quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh: Thiên Ý

Kim Liên, nơi đánh thức lòng tự hào

Nếu quảng trường là điểm hẹn tràn đầy khí thế, thì Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn) lại mang đến một bầu không khí khác hẳn, tĩnh lặng, sâu lắng và gợi suy tư. Nhiều bạn trẻ từ khắp các tỉnh đã về đây, không chỉ để tham quan mà còn để lắng nghe chính mình.

Du khách tới tham quan ngôi nhà nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời. Ảnh: Thiên Ý

Du khách tới tham quan ngôi nhà nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời. Ảnh: Thiên Ý

Lần đầu đặt chân đến quê hương Bác Hồ, bạn Trịnh Thị Nghĩa (20 tuổi, quê Quảng Ninh), sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, đứng lặng thật lâu trước ngôi nhà tranh đơn sơ, nơi Bác cất tiếng khóc chào đời.

“Chúng em lớn lên với những bài học về Bác qua sách vở, báo chí. Nhưng chỉ khi tận mắt nhìn thấy mái nhà đơn sơ, chiếc giường mộc mạc, em mới thật sự cảm nhận được sự giản dị, khiêm nhường không phải chỉ là lối sống, mà là gốc rễ của một tâm hồn lớn. Em xúc động nhất là khi nghĩ đến việc Bác đã chấp nhận rời xa quê hương, gác lại tình thân để dành trọn cuộc đời cho đất nước. Được đứng ở đây ngày 30/4, đúng dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, em cảm thấy như được trở về với cội nguồn của lòng yêu nước”, bạn Nghĩa xúc động nói.

Các bạn trẻ đang check in với bảng gắn chíp của Dự án "Yêu lắm Việt Nam" do Báo Nhân Dân phối hợp với đối tác lắp đặt tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh: Thiên Ý
Các bạn trẻ đang check in với bảng gắn chíp của Dự án "Yêu lắm Việt Nam" do Báo Nhân Dân phối hợp với đối tác lắp đặt tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh: Thiên Ý

Với anh Nguyễn Đình Phượng (29 tuổi, quê Hà Tĩnh), chuyến đi về Kim Liên cùng người thân trong dịp này không chỉ đơn thuần là một chuyến tham quan.

“Tôi sinh ra trong thời bình, không biết đến chiến tranh là thế nào. Nhưng khi dắt các cháu đi giữa làng Sen, nghe lại những câu chuyện về Bác Hồ, tôi thấy như mình đang nối một phần ký ức từ quá khứ tới hiện tại. Tôi muốn các cháu hiểu rằng: Bác từng là một người lớn lên từ ngôi làng rất mộc mạc, rất đời thường này. Và cũng chính từ những điều bình dị đó mà Người đã làm nên những điều vĩ đại cho đất nước”, anh Phượng cho hay.

Gửi một lời hứa từ thế hệ hôm nay

Giữa dòng người nườm nượp đến quảng trường và làng Sen, những gương mặt học sinh, sinh viên với ánh mắt trong veo cũng để lại dấu ấn đặc biệt. Họ không ồn ào, không khẩu hiệu lớn lao, nhưng trong lời nói giản dị, là cả một khát vọng sống đẹp, sống có trách nhiệm với Tổ quốc.

Bạn Thái Thị Huyền Thanh (bên phải) mong muốn sống xứng đáng với những gì mà Bác Hồ và thế hệ đi trước đã mang lại. Ảnh: Thiên Ý

Bạn Thái Thị Huyền Thanh (bên phải) mong muốn sống xứng đáng với những gì mà Bác Hồ và thế hệ đi trước đã mang lại. Ảnh: Thiên Ý

Bạn Thái Thị Huyền Thanh (17 tuổi), học sinh một trường cấp ba đóng trên địa bàn thành phố Vinh, chọn mặc áo dài trắng đến quảng trường để ghi lại kỷ niệm cùng bạn bè. Nhưng điều khiến em xúc động hơn cả là khoảnh khắc đứng trước tượng Bác Hồ: “Em nghĩ thế hệ em không phải chịu chiến tranh, không phải hy sinh, nên đôi khi tụi em vô tình coi 30/4 là kỳ nghỉ. Nhưng hôm nay, em thấy mình cần làm gì đó để tỏ lòng biết ơn. Em muốn học tốt hơn, sống xứng đáng hơn, vì đó là cách mà thế hệ tụi em tiếp nối điều Bác Hồ đã để lại”.

Sinh viên Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội thích thú khi lần đầu tiên được đến thăm quê Bác. Ảnh: Thiên Ý

Sinh viên Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội thích thú khi lần đầu tiên được đến thăm quê Bác. Ảnh: Thiên Ý

Từ quảng trường thành phố đến làng quê Nam Đàn, những bước chân trẻ đã chọn cách trở về trong dịp 30/4 này, không phải để tìm sự náo nhiệt, mà để tìm sự kết nối. Họ đứng lặng trước tượng đài Bác, cúi đầu bên căn nhà tranh cũ, và tự hỏi mình đang sống ra sao, đang làm gì cho đất nước hôm nay.

Không ồn ào, không hô hào, chỉ bằng một bức ảnh, một lời chia sẻ, một khoảnh khắc suy ngẫm, những người trẻ hôm nay đang viết tiếp một trang sử mới bằng chính cách sống của mình. Đó là, sống trách nhiệm, tử tế và không quên những người đã ngã xuống để đất nước có được ngày hôm nay.

Đọc thêm