Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Chung sức, chung lòng, chung trí tuệ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao

(PLVN) -Với những yêu cầu về đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trước thềm năm công tác mới 2025, cán bộ trong ngành Tư pháp bày tỏ quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, các Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Nguyễn Thanh Tịnh, Mai Lương Khôi chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025 (ảnh P.Mai).
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, các Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Nguyễn Thanh Tịnh, Mai Lương Khôi chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025 (ảnh P.Mai).

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính: Bộ, ngành Tư pháp phải có giải pháp đột phá trong các hoạt động chuyên môn.

Hiện nay, cả nước đang tập trung vào công cuộc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, các công chức Bộ Tư pháp đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp với các bộ, ngành rà soát hệ thống pháp luật để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm bộ máy vận hành thông suốt, không có khoảng trống pháp lý sau khi sắp xếp và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, yêu cầu đối với công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp cũng cao hơn trước đây; Bộ Tư pháp cần phải đóng vai trò chủ động hơn trong quá trình thẩm định, không những góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng mà còn phải bảo đảm môi trường pháp lý an toàn cho cá nhân, tổ chức, đồng thời xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch, dễ tiếp cận, thân thiện với người dân, doanh nghiệp.

Để tiếp tục làm tốt vai trò, vị trí của cơ quan tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, để giúp Chính phủ làm tốt hơn nữa công tác hoạch định chính sách, cho ra đời nhiều văn bản quy phạm pháp luật tốt, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển và tiến bộ xã hội, Bộ Tư pháp cần tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, huy động trí tuệ của các chuyên gia trong và ngoài ngành tư pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và nhất là trong công tác thẩm định, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính chuyên nghiệp, tính chuyên môn cao.

Bối cảnh hiện nay cũng đặt ra yêu cầu đối với Bộ Tư pháp, ngành tư pháp phải có những giải pháp đột phá trong các hoạt động chuyên môn (từ soạn thảo, thẩm định đến kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách…). Với những thách thức trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, các công chức của Bộ Tư pháp cần đổi mới tư duy, sáng tạo và năng động hơn nữa, tận dụng thành quả, thành tựu của khoa học công nghệ (ví dụ như trí tuệ nhân tạo…) để rút ngắn các quy trình, công đoạn thực hiện công việc để đạt hiệu suất cao hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế: Làm tốt công tác tham mưu sửa đổi, bổ sung pháp luật để bộ máy vận hành thông suốt sau tinh gọn.

Năm 2025, đội ngũ làm công tác công tác xây dựng pháp luật cần thực hiện tốt việc tham mưu hiệu quả trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tập trung hoàn thiện, trình Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi) vì đây là luật của các luật. Luật này cần quy định rõ, cụ thể giai đoạn xây dựng chính sách và giai đoạn soạn thảo với trình tự, thủ tục chặt chẽ, linh hoạt nhằm phản ứng kịp thời, hiệu quả với những thay đổi của kinh tế - xã hội; có sự phân biệt giữa lập pháp và lập quy; xây dựng chính sách rõ ràng, chi tiết, khả thi, đúng thẩm quyền, bám sát thực tiễn và cần được đánh giá tác động đầy đủ, cụ thể, thực chất.

Bên cạnh đó, Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) cũng cần quy định rõ về giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật ở cả góc độ nội dung, thẩm quyền, hình thức. Việc quy định rõ chế độ giải thích pháp luật tạo sự an toàn pháp lý trong cán bộ công chức, khuyến khích dám nghĩ, dám làm trong thực tiễn, đảm bảo sức sống và tính ổn định của pháp luật theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Năm 2025 được xác định là năm bứt phá, về đích, do vậy, đội ngũ làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật của Bộ, ngành Tư pháp cần tiếp tục tham mưu, đề xuất sửa đổi các VBQPPL để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Trong đó tập trung vào 3 vấn đề: tạo cơ sở pháp lý để xử lý vụ việc tồn đọng, kéo dài nhằm giải phóng nguồn lực, chống lãng phí, qua đó thể chế hóa Kết luận số 97-KL/TW ngày 5/10/2024 của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, cụ thể hóa Nghị quyết số 158 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025.

Tham mưu hiệu quả trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh xây dựng, ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát để xử lý các vấn đề mới, phi truyền thống, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, tăng trưởng xanh, phát huy sáng tạo người dân, doanh nghiệp, đảm bảo an toàn pháp lý cho các chủ thể có liên quan.

Hoàn thiện quy định về phân cấp, phân quyền, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương phù hợp yêu cầu thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế tăng trưởng. Bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc chung về các vấn đề này làm cơ sở sửa đổi các quy định liên quan trong các luật chuyên ngành cũng như trong việc phân cấp, ủy quyền trong thực tiễn.

Năm 2025 cũng là năm thực hiện và vận hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, qua rà soát sơ bộ của Bộ Tư pháp, để đảm bảo bộ máy vận hành thông suốt sau tinh gọn, gần sửa đổi khoảng 150 luật, Nghị quyết của Quốc hội, chưa tính đến số lượng lớn Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư của Bộ trưởng. Do đó, cần tập trung tham mưu kỹ lưỡng để rà soát, đề xuất xây dựng một hoặc một số luật hoặc Nghị quyết của Quốc hội, trong đó quy định một số nguyên tắc sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành có liên quan không chỉ về tinh gọn mà còn về trình tự, thủ tục, đặc biệt do thời gian gấp nên cần cơ chế xử lý vướng mắc phát sinh.

Theo tôi, đây không phải công việc riêng của Bộ Tư pháp mà là công việc chung các của các Bộ, ngành, địa phương. Do vậy, đội ngũ người làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương cùng chung sức, chung lòng, chung trí tuệ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đầy thách thức này. Đồng thời mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đầu tư nguồn lực tương xứng, phù hợp, đủ thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm hoàn thành tốt công việc để đội ngũ cán bộ yên tâm công tác, tận tụy, cống hiến.

Ông Nguyễn Minh Đức, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định: Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất

Thời gian qua, Cục THADS tỉnh đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tới toàn thể công chức, người lao động trong các cơ quan THADS tỉnh Nam Định.

Thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cấp ủy, lãnh đạo Cục, Trưởng các phòng chuyên môn và tương đương thuộc Cục, đại diện các tổ chức chính trị, xã hội của Cục và các đơn vị Chi cục THADS huyện, thành phố trên địa bàn đã nghiên cứu, trao đổi lấy ý kiến và 100% thống nhất đề xuất lựa chọn “Bộ Tư pháp quản lý toàn diện công tác THADS, THAHC”. Như vậy sẽ phù hợp với cơ sở thực tiễn của công tác THADS qua các thời kỳ từ năm 1946 cho đến nay, nhất là thời điểm hiện tại, kết quả thực hiện nhiệm vụ THADS ngày càng được nâng cao và cơ bản đạt, vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao, có xu hướng phát triển bền vững, hệ thống THADS đã có những đóng góp quan trọng, tích cực đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và từng địa phương cụ thể.

Đồng thời công tác THADS hiện nay phù hợp với tổ chức bộ máy của hệ thống ngành dọc, luôn tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống không ngừng được hoàn thiện, trong đó, đặc biệt đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan THADS, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất.

Đọc thêm