Chung sức vì miền Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng ngàn người lính, chiến sĩ công an nhân dân từ miền Bắc, Tây Nguyên đã lên đường chi viện TP HCM chống dịch.
Chung sức vì miền Nam

Trước đó hơn 14.543 người thuộc Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ; các tỉnh, thành phố; khối các bệnh viện Trung ương; các trường y dược đã tham gia chi viện cho TP HCM và các tỉnh phía Nam. Có thể nói, cả nước đang Tổng lực chi viện cho miền Nam thân yêu.

Trong cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với TP HCM và một số tỉnh trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, quân đội đã sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và yêu cầu của các tỉnh, thành; trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân... Theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lực lượng chi viện sẽ cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu “muôn hình vạn trạng” trong thực tiễn. Cuộc chiến chống COVID-19 đang ở vào thời điểm căng thẳng nhất.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn phía Nam. Lực lượng quân y tham gia chống dịch hiện có hơn 2.000 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên... Trong tuần này tiếp tục có thêm hơn 100 tổ quân y khác chi viện cho TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam. Từ ngày 21 đến 23/8 có thêm 1.000 cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị được vận chuyển vào Nam chống dịch theo đường hàng không.

Trong đêm 21/8, các Tiểu đoàn của Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên từ Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng cũng đã đến điểm tập kết quân tại nhà thiếu nhi TP Thủ Đức, TP HCM sẵn sàng tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19. Hôm qua, (22/8), Sư đoàn 5-Quân khu 7 (đóng quân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh) đã phân công gần 2.000 cán bộ, chiến sỹ đến TP HCM để giúp địa phương này phòng, chống dịch COVID-19. Cục CSGT, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cũng đã cử lực lượng chi viện TP HCM.

Tất cả họ lên đường với quyết tâm đoàn kết, chung sức, đồng lòng, chủ động khắc phục khó khăn, không ngại gian khổ, hy sinh, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và xem nhân dân chính là người thân, là sức khỏe, tính mạng của chính mình.

Trong đội ngũ lên đường vào miền Nam chống dịch, không ít trường hợp cả hai vợ chồng có con mới 17 tháng tuổi; hoặc chồng đang là bộ đội nơi biên giới hải đảo nhưng người vợ gửi con nhỏ cho ông bà; hoặc hai vợ chồng là bác sỹ “tranh nhau” lên đường. Những hành động thật ý nghĩa, xúc động.

Cuộc chiến chống COVID-19 đã có tổn thất, từ người dân đến lực lượng tuyến đầu. Điều đó cho thấy, với những người lên đường “ra trận” phía trước không phải không có hiểm nguy. Tuy nhiên, trong gian nguy, càng thể hiện phẩm chất ngời sáng của “Bộ đội Cụ Hồ”, của chiến sĩ Công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Đọc thêm