“Chúng ta chỉ có một túi, không thể vừa hỗ trợ người dân lại vừa tăng lương”

(PLVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) đã nói như trên khi được hỏi về việc Chính phủ đề nghị Quốc hội chưa tăng lương từ ngày 1/7/2020. 
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên.

Trao đổi với phóng viên Báo PLVN bên hành lang Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vào chiều 20/5, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên chia sẻ với đề xuất của Chính phủ về việc xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020. 

Ông Kiên cho hay, bản thân Chính phủ đề xuất tăng lương và Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh lương đặt ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội nước ta đạt nhiều kết quả tích cực trên đà phát triển của 2019. 

Nhưng 5 tháng vừa rồi, có ai học được chữ “ngờ” khi tình hình dịch bệnh khiến mọi chỉ tiêu đều xuống như thế. Trong bối cảnh đó, chúng ta cũng đã có gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ cho người dân bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19. 

“Điều kiện nước ta như vậy, chỉ có 1 túi thôi, tất cả chỉ có bằng ấy thôi, dùng việc này rồi thì không thể dùng vào việc kia, nghèo đói mà biết chia sẻ cho nhau”, ông Kiên nhấn mạnh.

Theo ông Kiên, tình hình năm nay chắc là khó có thể khởi sắc, trở lại như năm 2019. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh lương về cơ bản vẫn có hiệu lực, giờ chỉ là lùi để cân đối ngân sách, Chính phủ vẫn có trách nhiệm thực hiện nhưng do điều kiện hiện tại thì Chính phủ đề xuất lùi. Theo dự kiến chương trình, khi họp tập trung (đợt 2) thì Quốc hội sẽ thảo luận về Báo cáo của Chính phủ, trong đó có đề xuất này.

Ông Kiên thấu hiểu là mọi người đều mong muốn cuộc sống được tốt hơn nhưng khả năng của đất nước, của doanh nghiệp không thể đáp ứng mong muốn đó. Đây cũng là trách nhiệm của mọi người, cùng nhau chia sẻ để cùng nhau tồn tại. 

Ông ví von: “Bây giờ thuyền gặp bão, nước tạt vào thì không thể nói tôi đi vé hạng nhất thì tôi không có trách nhiệm phải đóng cửa lại mà khi ấy, sẽ có người khác đóng lại. Bởi nếu không đóng thì nước hắt vào phòng, ướt hết đồ đạc rồi không có gì thay thế. Vì vậy, phải có trách nhiệm là cùng đội thủy thủ trên tàu đi đóng cửa lại cho khỏi gió, khỏi nước hắt vào. 

Với hoàn cảnh hiện tại cũng thế, Chính phủ đã đề xuất chi 62 nghìn tỷ đồng, Quốc hội đồng ý để Chính phủ chi số tiền này “cấp cứu” cho người lao động gặp khó khăn cho dịch bệnh. Tiền ấy ở đâu? Chính là lấy từ tiền hỗ trợ tăng lương”. 

Ông Kiên thẳng thắn, còn nếu chúng ta vẫn áp dụng ngay việc tăng lương thì các doanh nghiệp sẽ giải tán, thậm chí cho người lao động thôi việc thì người lao động còn khổ hơn nhiều. Vấn đề quan trọng ở đây là Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động phải cùng chia sẻ để cùng nhau vượt khó khăn.

Đọc thêm