Trong không khí của những ngày thu Cách mạng tháng 8, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội Khoá VIII, IX, X đã chia sẻ với PV Báo Pháp luật Việt Nam xoay quanh vấn đề này…
Đức - Tài - Tâm đã được cụ thể hóa theo lời Bác Hồ dặn
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ, Quy định 90 (QĐ 90) thực chất về nội dung không có gì mới so với những quy định công tác cán bộ và đánh giá cán bộ trước đây, với những nội dung như Đức - Tài -Tâm, không phải vì lợi ích cá nhân mà phục vụ nhân dân, dân tộc. Về bản chất không thay đổi nhưng về cấp độ, tính cụ thể, tính quyết liệt hơn thì trong QĐ 90 khá rõ, khá sắc sảo so với Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, ra đời trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ của Đảng.
Quyết định này cụ thể hóa quy định về chất lượng cán bộ, về phẩm chất, đạo đức, năng lực và tâm của người cán bộ phục vụ nhân dân như Bác Hồ nói cán bộ là “công bộc” của nhân dân. Bộ Chính trị kiên quyết đưa cán bộ về đúng vị trí, chức năng mà quy định của Đảng được Bác Hồ căn dặn mấy chục năm trước. Cán bộ không phải là quan của dân mà là “công bộc” của dân, phục vụ lợi ích của nhân dân, của dân tộc.
Có ý kiến cho rằng quy định lần này có điểm mới, đó là “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”; “tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trong ba mặt để giám sát tốt công tác cán bộ theo tinh thần QĐ 90, trong đó nhấn mạnh rằng cán bộ không được tham vọng quyền lực. Bởi nếu không ngăn chặn tham vọng quyền lực, khi tham vọng cá nhân đặt chân vào vị trí đó để lợi ích cá nhân, gia đình, nhóm bạn bè là cực kỳ nguy hiểm. Trong một thời gian dài vừa qua, cán bộ không có quy định chặt chẽ, không được giám sát chặt chẽ cho nên đã gây ra hệ thống hư hỏng như vừa rồi Đảng đã đưa ra một loạt vụ. Riêng vụ Trịnh Xuân Thanh, một loạt cán bộ bị đưa ra kỷ luật (không chỉ Bộ trưởng mà cả 2 Thứ trưởng), tổ chức có trách nhiệm quản lý Trịnh Xuân Thanh làm không đúng cũng nằm trong hệ thống đó.
Vừa qua Đảng đã chấn chỉnh, chúng ta mang ra được một loạt vấn đề chính là do Ủy ban Kiểm tra Đảng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức TƯ Đảng được củng cố lại, nghĩa là hệ thống tổ chức quản lý được củng cố mới có lực lượng giám sát và lắng nghe tiếng nói của nhân dân thông qua báo chí. Đó là hai kênh quan trọng luôn luôn phát hiện đúng, sai trong thực hiện chức năng cán bộ. Trước nay, dù chúng ta cũng có Ủy ban Kiểm tra nhưng vì nể nang, sợ mất uy tín, thậm chí cũng có liên quan đến hư hỏng đó nên nhiều vụ việc bị bưng bít.
Cho nên khi có QĐ 90, ngoài việc tăng cường giám sát thì Đảng thông qua các tổ chức quản lý, nhân dân, báo chí để giám sát con người cán bộ và cả cơ quan quản lý cán bộ. Một người hỏng thì không lo lắm nhưng tổ chức quản lý con người đó hỏng, tổ chức giám sát cũng hư hỏng, hoặc nể nang, bè cánh sẽ cực kỳ nguy hiểm.
“Vũ khí” có rồi, sử dụng sao cho hiệu quả
Như vậy, có thể xem Quyết định 90 là khung tiêu chí, nhưng để áp dụng vào thực tiễn liệu có mang lại hiệu quả như mong đợi không, thưa ông?
- QĐ này chính là căn cứ, tổ chức giám sát đó phải có công cụ như người chiến sĩ muốn chiến đấu thì phải được trang bị vũ khí và đây chính là vũ khí để tổ chức Đảng, Nhà nước, nhân dân, báo chí, những tổ chức giám sát có trách nhiệm cầm vũ khí đó tấn công vào tư tưởng tham vọng quyền lực. Lâu nay chúng ta chỉ nói chung chung, cũng không có công cụ gì, giờ có vũ khí, có cách đánh, có lực lượng được đánh thì chắc chắn chúng ta thành công. Một xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) do dân, vì dân thì chúng ta không thể để tồn tại mãi những cán bộ hư hỏng. Nếu cán bộ trong sạch, tổ chức trong sạch thì làm sao các thế lực khác nói xấu, xuyên tạc được. Đồng thời người dân không được tham gia, quản lý, giám sát nên càng mất lòng tin đối với đội ngũ cán bộ.
Tuy nhiên, có vũ khí phải biết sử dụng như thế nào cho hiệu quả. Muốn vậy tổ chức Đảng, Nhà nước, cơ quan quản lý, nhân dân và báo chí phải biết sử dụng thông thạo vũ khí đó, thấy có hiện tượng gì là cần biết phải làm gì, kêu gọi nhân dân, báo chí đi vào cuộc. Có tới 90 triệu con mắt quyết tâm, chống, phát hiện tham nhũng thì làm sao có thể để lọt được tham nhũng.
Tôi tin tưởng vào sự thành công của QĐ này nhưng với điều kiện những con người được giao vũ khí đó phải biết “bắn” vào kẻ thù của nhân dân, không “bắn trượt”, “bắn chỉ thiên” mà phải đúng đối tượng. Đảng đã phát động cuộc đấu tranh này, tất cả nhân dân, cán bộ cùng đi vào hành động thì chắc chắn sẽ giành thắng lợi.
Có ý kiến cho rằng, QĐ này giúp việc xây dựng bộ máy công quyền mạnh với hệ thống lãnh đạo đủ năng lực. Trung tướng nghĩ sao về quan điểm này?
- Muốn có tổ chức tốt thì phải có con người tốt, Bác Hồ nói: Muốn có XHCH thì phải có con người XHCN, muốn bộ máy tốt thì phải có cán bộ giỏi có năng lực, có tâm phục vụ nhân dân. Khi tổ chức chọn cán bộ tốt thì quản lý, sử dụng, giáo dục, giám sát khi vào tốt nhưng quá trình sau khi vào vị trí thì vì tham vọng quyền lực, vì lợi ích, không xác định rõ nhiệm vụ của mình và hơn nữa tổ chức lại không quản lý chặt chẽ, vì vậy hai điều đó cộng hưởng dẫn đến hư hỏng. Vì thế, công tác này phải được công khai, minh bạch để nhân dân giám sát, báo chí giám sát thì không có việc gì là không làm được... Trước có những vụ rõ ràng sai phạm dù nhân dân, báo chí đã nêu nhưng cố tình bưng bít, né tránh có thể vì sợ mất uy tín tổ chức hoặc thậm chí cùng phe nhóm với nhau mục đích lợi ích. Lợi ích này không phải là lợi ích tham vọng riêng cá nhân mà là tham vọng quyền lực của cả hệ thống cá nhân cùng liên kết với nhau để tham nhũng, vơ vét của dân rồi chia chác.
Tổng Bí thư đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng làm được những việc mà trước đây chưa làm được. Việc Đảng và Nhà nước cương quyết xử lý nghiêm cán bộ cấp cao đương chức và về hưu có vi phạm, khuyết điểm đã thể hiện sự quyết tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong công tác phòng, chống tham nhũng và không có vùng cấm đối với bất kỳ ai. Vi phạm về Đảng thì xử lý kỷ luật Đảng, vi phạm kỷ luật về công chức thì cứ theo Luật Công chức, còn vi phạm pháp luật thì xử lý về mặt pháp luật, không dung túng, loại trừ ai.
Hơn nữa, tại Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”. Tôi rất tâm đắc với câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng vào cuộc để phòng chống tham nhũng thì mới thành.
“Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”... nhưng chúng ta có dám đốt đến củi tươi không, có dám làm đến cùng không? Đảng phải hành động, các tổ chức Đảng phải hành động, phát động nhân dân hành động cùng với mình và thông qua kênh báo chí để Đảng tiếp cận được tất cả nguồn thông tin.
Mong rằng với QĐ này Đảng cần làm quyết liệt đẩy lùi tiêu cực trong nội bộ Đảng, Nhà nước chúng ta. Mà tiêu cực đó bắt nguồn cái tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, tham vọng quyền lực, lợi ích cho mình chứ không phải để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.
Trở lại những ngày thu Cách mạng này, là người đi suốt chiều dài kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng XHCN, cảm xúc của ông ra sao?
- 72 năm đã trôi qua. Ngày ấy, tôi là một thanh niên nông thôn 19 tuổi, cơm không đủ ăn đã hòa vào không khí rưng rưng của Ngày Quốc khánh với cờ búa liềm, cờ của Việt Minh tưng bừng khắp xóm làng. Đã 72 năm, từ một đất nước nô lệ không có tên trên bản đồ thế giới, bởi 80 năm đô hộ, Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ đều là thuộc địa của Pháp, tôi thấm thía nỗi đau của người dân sống trên đất nước mình mà không phải của mình. Thế rồi, Cách mạng tháng 8 thành công, chúng ta có quyền tự hào về một dân tộc nhỏ bé mà anh hùng. Ngày nay, tài năng của chúng ta không thua ai, kinh tế không thua ai, đi học, đi thi đều có tên trên bảng vàng thế giới… Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng, có bản lĩnh, có trí tuệ. Nếu chúng ta không quyết liệt, để bộ máy có những kẻ tham nhũng, “con sâu làm rầu nồi canh” thì không thể đưa đất nước đi lên được…
Trân trọng cảm ơn Trung tướng!