Chúng ta có ổn không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong cuộc sống trôi nhanh ngày hôm nay, sự biến động không ngừng tiếp nối và chúng ta lần lượt phải đối diện để vượt qua. Thế nhưng, khi bắt đầu đặt câu hỏi rằng chúng ta có ổn không, là trong tâm mỗi chúng ta đang hoàn toàn… bất ổn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạn sống có vui không?

Chúng ta sống có vui không? Những người trẻ đang bận vật lộn giữa cuộc mưu sinh? Những người trẻ phải từ bỏ đam mê, oằn mình thực hiện ước mơ còn dang dở của bố mẹ? Ắt hẳn, mỗi người trẻ trong cuộc sống của mình đều từng có những lúc băn khoăn hoang mang giữa những lựa chọn, sống vô định giữa những mục tiêu. Nhưng có khi nào bạn dừng lại, suy ngẫm và đặt câu hỏi rằng: “Nếu chúng ta làm việc không vui, yêu một ai đó không vui, đi đâu đó không vui… Vậy chúng ta sống để làm gì?”…

Chúng ta luôn “dán” lên người chữ bận rộn. Ai cũng tin rằng mua thêm cái nhà, đời mình sẽ vui hơn. Mua thêm chiếc bình đắt tiền, trà sẽ ngon hơn... Cuộc chạy mải miết ấy, tưởng như chúng ta có tất cả, nhưng chúng ta có hạnh phúc không?...

Một người phụ nữ sau 20 năm “cố chấp” chỉ yêu một người, dù anh ta đã từng bỏ rơi mẹ con cô khi chưa đầy cữ… Nhưng cô vẫn nhất quyết để có người đàn ông ấy bên mình, cho dù không một ai đồng tình, kể cả các con. Cô tin rằng, sau nhiều năm tháng như vậy, người đàn ông ấy sẽ thay đổi. Nhưng không, con người ấy một đời đã làm cô tổn thương, thì chẳng thể có sự thay đổi khi họ đã từng trải. Cô mắc kẹt trong lựa chọn của mình. Cô vùng vẫy trong thế giới ảo do cô vẽ ra. Sự bế tắc tới mức bác sỹ tâm lý cũng chẳng thể có liều thuốc nào cho cô ngưng đau đớn…

Và nữa, trong đời sống là những cú ngã bất thình lình khi mọi niềm tin chúng ta đặt vào ai đó bỗng tan thành mây khói. Con người dễ dàng quay lưng vì những thứ trước mắt. Một ngày, bỗng chúng ta gặp vô vàn điều bất trắc như hiệu ứng domino, những khoảng thời gian khó khăn liên tiếp ập đến, Những niềm tin bỗng vỡ vụn trước mắt.

“Chúng ta sống có vui không?” là tên một cuốn sách của Nguyễn Phong Việt. Đời người đôi khi chỉ cần một ai đó, dù là xa lạ, hỏi rằng: “Bạn sống có vui không?”… Nhiều người trẻ cùng thế hệ biết cách đi tới hạnh phúc, thay vì những mộng tưởng. Nhưng có những người đôi khi cố đi tìm sự phù phiếm, so sánh bản thân hơn thua với người đời mà quên mất bình an, hạnh phúc là xuất phát từ tâm hồn.

Mỗi mối quan hệ có mỗi cách kéo ghế và ngồi xuống khác nhau. Có những mối quan hệ ta chỉ ngồi xuống vì phép lịch sự, Có những mối quan hệ ta không thể ngồi xuống vì chẳng có gì để nói với nhau. Nhưng cũng có mối quan hệ khiến ta chẳng ngần ngại kéo ghế ngồi xuống mãi chẳng muốn đứng dậy.

Cuộc sống như một cuộc hành trình mà đích đến thì xa tít tắp không thể nhìn thấy, chúng ta vì không muốn bị thế giới bỏ lại phía sau nên chạy ngày chạy đêm, chạy không ngừng nghỉ, chạy bất chấp mọi sự diễn ra trên đường. Tất cả những gì chúng ta làm là lướt qua thật nhanh.

Đến khi một con sông dữ tợn xuất hiện, chắn đường và ghìm chân con thú ấy lại. Lúc đó nó mới nhận ra mình đã bỏ lỡ biết bao nhiêu điều đáng quý trong khi nhắm mắt, cắm đầu chạy.

Vốn dĩ, ai cũng ôm niềm hy vọng mình sẽ hạnh phúc nếu đi đến cuối con đường. Nhưng “niềm vui ở cuối con đường” có thể chỉ là những mộng tưởng, những tham vọng hão huyền. Có những người đặt nó làm mục tiêu cả cuộc đời, nhưng đến gần hết đời họ vẫn chưa tìm được.

Nguyễn Phong Việt tâm sự: “Trong rất nhiều hành trình mà chúng ta muốn đi trong cuộc đời này, có một hành trình mà chúng ta mong đạt được nhiều nhất nhưng lại chỉ muốn trả cái giá thấp nhất. Những cuồng điên và si mê cuốn chúng ta đi từng ngày, từng giờ. Chúng ta tranh đoạt từng chút một với sự phù phiếm và quyền lực… Cho đến một ngày, chúng ta soi mình vào gương, một đêm khuya hay sáng sớm, tự tay lau nước mắt hoặc bắt mình phải cắn chặt môi. Chúng ta, chợt giật mình nhớ ra. Chúng ta muốn sống vui. Không ai - không bất cứ một ai trong chúng ta - mong mình sống trong nỗi khổ.

Đôi khi, chúng ta ước chúng ta có thể quay về một khoảnh khắc, một năm tháng nào đó để từ bỏ một quyết định, một lựa chọn, một con người… Nhưng, thật ra, bất cứ một quyết định nào trong quá khứ đều là một viên gạch xây dựng nên con người của chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta, theo cách nào đó, đến được ngày hôm này là nhờ những sai lầm và cả những đúng đắn”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Gần 15% dân số rối loạn tâm thần

Có thể nói, ngày nay khi chúng ta sống chung cùng những áp lực, những tổn thương hay sự “mắc kẹt” thì trầm cảm đã trở thành một căn bệnh thời đại. Chuyện của X.T, một luật sư ngoài 40 tuổi, là người làm việc cho nhiều tập đoàn đa quốc gia, học vấn tốt, thu nhập tốt khiến người ngoài nhìn vào thấy anh ấy có cuộc sống mỹ mãn.

Nhưng thực tế, T âm thầm đánh vật với căn bệnh trầm cảm suốt 20 năm trời. X.T có tuổi thơ bất hạnh, bị lạm dụng, quan hệ mẹ - con rất cằn cỗi, lớn lên với sự trống rỗng không biết bản thân muốn gì, hôn nhân cũng lộn xộn. Một con người bất hạnh, nhiều lần nghĩ đến cái chết, cũng không có cú hích nào đủ lớn để anh ấy có động lực trị liệu bài bản.

TS Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành đồng khởi xướng đường dây nóng miễn phí Ngày mai. “Sau ba tháng hoạt động, chúng tôi tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi. Tất nhiên đây không phải địa chỉ trị liệu lâu dài, Ngày mai chính là sự giúp đỡ nhất thời, sơ cứu để giới thiệu người trầm cảm với chuyên gia, bác sĩ, để họ được trị liệu bài bản, cặn kẽ hơn”, TS Đặng Hoàng Giang nói.

Đó có thể là bà mẹ rơi vào trầm cảm sau sinh đã hành hạ đứa con nhỏ, có thể là cô gái thất bại và mắc kẹt trong áp lực kỳ vọng quá lớn của bố mẹ, hay những người lớn lên với sự trống rỗng, căm ghét bản thân do tổn thương bị xâm hại, bị ngược đãi trong quá khứ.

Cùng với đó, Gen Z là một thế hệ bùng nổ trong lo âu: 50% vấn đề sức khoẻ tâm lý xảy ra ở tuổi teen (13-19 tuổi) và 75% diễn ra ở tuổi 24. 1/6 người trẻ hiện tại đang bị rối loạn lo âu. Thế hệ Z là thế hệ được đặt nhiều kỳ vọng nhất, nhưng cũng là thế hệ mong manh nhất. Sự lo lắng triền miên dẫn tới nhiều hệ luỵ như hoảng loạn, suy sụp tinh thần, mất ngủ, đau tức ngực và khó thở, và thậm chí là tự tử. Nghiêm trọng hơn, tự tử mang tính lây lan, hiện tượng này càng dễ xảy ra khi cái chết ban đầu xuất phát từ người nổi tiếng trong làng giải trí.

Tuy nhiên, Gen Z cũng là thế hệ dám đối diện và biết chăm lo đến sức khỏe tâm thần. Nếu trước đây, người ta ngại nói về sức khỏe tinh thần, trốn tránh các vấn đề của bản thân hay thậm chí nghĩ rằng bệnh tâm lý là một điều tệ hại để nói ra thì thế hệ Z đang xem sức khoẻ tinh thần là phần quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số - nghĩa là có gần 15 triệu người. Song đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ có tâm thần phân liệt, nhưng thực tế các rối loạn lo âu, trầm cảm chiếm tỉ lệ cao, tới 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như chậm phát triển tâm thần, rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên, lạm dụng rượu, chất kích thích…

Mỗi con người, bằng một cách nào đó, đều phải tự mình đi qua những ngày tháng không mong đợi. Bởi thế, hơn ai hết, theo các chuyên gia tâm lý, chúng ta cần học khả năng kháng thương. Đây là năng lực bật dậy sau tổn thương, là nâng niu mọi bất ổn đã trải qua. Kháng thương là không dè sẻn sự bao dung mà sử dụng nó từ niềm tin vững chắc rằng cuộc đời này không có phép màu đâu, nếu muốn bạn phải tự đi mà tạo ra. Nhưng nếu tim ta đủ lớn, nhà là vũ trụ mênh mông này.

Những cơn mưa cứ đến bất chợt mà không báo trước hay những công việc đột xuất, giống như những nỗi thất vọng bất ngờ, khiến chúng ta không kịp chuẩn bị một kế hoạch đề phòng, một rào cản để bảo vệ bản thân khỏi bị tổn thương.

Người ta có thể không cười mãi một chuyện vui nhưng lại vẫn có thể đau đớn không dứt về một chuyện buồn. Niềm vui chẳng dễ ở lại bên chúng ta lâu, nhưng nỗi buồn lại cứ khắc sâu mải miết. Phải chăng đó là cách để chúng ta ghi nhớ những bài học, những ý nghĩa sau thương tổn, từ chính câu chuyện buồn của mình?

Một ngày, bạn có thể cảm thấy cả thế giới như sụp đổ dưới chân mình. Mọi kỳ vọng đều bị đảo ngược đầy nghiệt ngã, những gì bạn mong cầu có thể chẳng bao giờ thành hiện thực. Thế rồi ngày mai, nó bỗng trở thành một vết sẹo cũ kĩ đã mờ nhạt, chỉ nằm ở đó nhắc nhở bạn nhớ về một bài học, về một con người trước đây của bạn, để thúc đẩy bạn thay đổi và bước tiếp. Điều quan trọng, bạn có thể xem mọi nỗi đau như một sự khắc nghiệt tột cùng hay đó là lời chỉ dạy cho chúng ta về hạnh phúc? Chỉ cần bạn nhìn thẳng vào vấn đề, đâu là điều quan trọng, đâu là những cho đi không cần hồi đáp, những buông bỏ để cho chúng ta cơ hội được chữa lành…

Khi tâm hồn bạn đủ rung cảm, đủ độ lượng và tha thứ, khi chúng ta không quá cố chấp, chúng ta đều có thể trở về an trú trong tâm mình! Bởi có những con đường chúng ta phải đi một mình. Mọi vấn đề hạnh phúc hay khổ đau, là do cách chúng ta bình tĩnh để vượt qua! Như món quà của sự trưởng thành…

Đọc thêm